Công diễn vở nhạc kịch lấy cảm hứng từ 'chú lính chì' Thiện Nhân
Câu chuyện về bé Thiện Nhân cùng hành trình chị Trần Mai Anh nhận nuôi và nỗ lực tìm mọi cách để điều trị cho Thiện Nhân đã thôi thúc Nghệ sỹ ưu tú Cao Ngọc Ánh chuyển tải bằng ngôn ngữ của nhạc kịch.
Tối 9/11, tại Hà Nội, Nhà hát Tuổi Trẻ chính thức công diễn vở nhạc kịch “Viên đá ngũ sắc” - vở diễn lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật kể về hành trình kiên cường của "chú lính chì" Thiện Nhân, người mẹ nuôi Trần Mai Anh (Mẹ Còi) và đội ngũ các bác sỹ.
Hành trình ấy bắt đầu từ năm 2006 khi chị Trần Mai Anh nhận nuôi và nỗ lực tìm mọi cách để điều trị cho Thiện Nhân - đứa trẻ bị bỏ lại trong vườn chuối, bị thú hoang ăn mất một phần cơ thể.
Suốt hơn một thập niên, người mẹ có vóc dáng nhỏ bé đã cùng Thiện Nhân đi qua nhiều châu lục với hy vọng có thể mang tới cho con một cuộc sống trọn vẹn hơn.
Và hành trình ấy không chỉ trở thành phép màu với Thiện Nhân, mà còn mang đến ánh sáng hy vọng cho nhiều trẻ em bị khuyết tật cơ quan sinh dục trên cả nước. Đây từng là những khuyết tật khó nói và cũng hiếm có phương pháp điều trị trong nước.
Chương trình “Thiện Nhân & Những người bạn” ra đời từ đó, đưa tới cơ hội thăm khám và phẫu thuật tái tạo cơ quan sinh dục cho hàng nghìn trẻ em thiệt thòi.
Nghệ sỹ ưu tú Cao Ngọc Ánh, Tổng đạo diễn vở nhạc kịch, cho biết câu chuyện về bé Thiện Nhân cùng hành trình chị Trần Mai Anh nhận nuôi và nỗ lực tìm mọi cách để điều trị cho Thiện Nhân đã khiến chị xúc động mạnh mẽ, thôi thúc chị chuyển tải bằng ngôn ngữ nghệ thuật của nhạc kịch.
“Tôi tin rằng nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc sẽ trở thành đường truyền nhanh nhất để chạm tới trái tim của khán giả, tiếp nối hành trình lan tỏa niềm tin vào cái thiện," tổng đạo diễn Cao Ngọc Ánh chia sẻ.
Êkíp thực hiện cho biết vở nhạc kịch có nhiều cảnh diễn lay động trái tim người xem, như cảnh Mẹ Còi khắc khoải đứng ngoài hành lang phòng mổ khi các bác sỹ đang giành lấy sự sống cho con; hay cảnh bác sỹ Greig (bác sỹ mổ đầu tiên của Thiện Nhân trong vở kịch, nhân vật được xây dựng từ cảm hứng về người cha nuôi của bé ngoài đời) đã có lúc phải ngừng mổ trong tình trạng kiệt sức nhưng khi lùi ra xa giường mổ, trong giây lát chạm vào ánh mắt Mẹ Còi, ông lại tìm thấy động lực vô hình để tiếp tục công việc...
[Câu chuyện cổ tích về "chú lính chì" Thiện Nhân đến với độc giả Italy]
Nhạc sỹ Minh Đạo cho biết toàn bộ phần âm nhạc đều là những sáng tác mới dành riêng cho vở diễn. Những tác phẩm như “Trái tim không biên giới," “Ước mơ xanh," “Trái tim thơm tho”… kết hợp âm nhạc hiện đại được ban nhạc trẻ Chicktown chơi live trong cả vở mang đến nhiều xúc cảm cho người xem, khắc họa quãng thời gian trưởng thành của cậu bé Thiện Nhân.
Đó là hành trình trong trẻo nhưng cũng nhiều chông gai khi cậu bé phải vượt qua những ánh nhìn ái ngại, những lời châm chọc để lớn lên, hòa nhập và tự nuôi dưỡng niềm tin về cái thiện trong mình.
Theo Nghệ sỹ ưu tú Cao Ngọc Ánh, các diễn viên trẻ của “Viên đá ngũ sắc” được chọn lọc kỹ từ nguồn diễn viên của cả Nhà hát Tuổi Trẻ và các đơn vị mở rộng. Đối với nhạc kịch, diễn viên phải hội tụ khả năng trình diễn “ba trong một”: nhảy múa, diễn xuất và ca hát. Vì thế, sau khi tuyển chọn diễn viên, êkíp thực hiện cũng đã dành nhiều thời gian để đào tạo về các chất liệu sẽ sử dụng trong vở diễn.
Theo chị Trần Mai Anh, người sáng lập và điều hành Chương trình “Thiện Nhân & Những người bạn," câu chuyện của chị không mới nhưng vẫn còn rất nhiều những người mẹ như chị, có những người con bị khuyết thiếu những phần trên cơ thể và mong muốn con có được cuộc sống tốt hơn.
Chính vì vậy, êkíp thực hiện mong muốn và hy vọng vở nhạc kịch sẽ trở thành chương tiếp theo trong hành trình lan tỏa niềm tin vào cái thiện, vào những kỳ tích được tạo ra bằng niềm tin của con người.
Một phần doanh thu của vở nhạc kịch sẽ được trích cho hoạt động của Quỹ “Thiện Nhân & Những người bạn” vào tháng 11/2023, nơi nhiều em nhỏ sẽ tiếp tục được thay đổi cuộc sống nhờ đôi tay của các bác sỹ giàu tình yêu và thiện tâm./.