Công bố 10 điểm nhấn tiêu biểu của ngành Xây dựng trong năm 2024

Trong năm 2024, thị trường bất động sản từng bước được phục hồi qua giai đoạn khó khăn nhất; sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành Xây dựng từng bước khắc phục và ổn định.

Với 455/456 đại biểu biểu quyết tán thành, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; thị trường bất động sản vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để lấy đà phục hồi phát triển; tăng trưởng ngành Xây dựng trong năm 2024 cao nhất từ năm 2020 đến nay.

Đây là 3 trong số 10 điểm nhấn tiêu biểu của ngành Xây dựng trong năm 2024, vừa được Bộ Xây dựng công bố tại buổi Họp báo thường kỳ của Bộ Xây dựng, diễn ra vào chiều nay, 27/12.

Dưới đây là 10 điểm nhấn tiêu biểu của ngành Xây dựng năm 2024:

1. Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, công tác hoàn thiện thể chế tiếp tục là điểm sáng

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ Xây dựng đã chủ động, tích cực nghiên cứu, kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng để hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành Xây dựng. Đặc biệt, ngày 26/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (Luật số 47/2024/QH14), có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 tại Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024.

Ngoài ra, trong năm 2024, cùng với Luật Đất đai sửa đổi được thông qua ngày 29/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, hai bộ Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh BĐS số 29/2023/QH15 cũng đã được Quốc hội cho phép thời gian có hiệu lực sớm hơn 5 tháng (từ 1/8/2024). Để sớm đưa chính sách vào thực tiễn, Bộ Xây dựng đã trình và được Chính phủ ban hành 5 nghị định, 1 quyết định bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

2. Đẩy mạnh phân cấp phân quyền trong quản lý nhà nước

Nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/1/2022 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng tích cực tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành các luật, văn bản dưới luật nhằm tăng cường phân cấp và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.

Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng, việc đẩy mạnh phân cấp cho địa phương thẩm định dự án, thiết kế, cấp giấy phép xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu, cấp giấy phép xây dựng cho nhà thầu nước ngoài,… đã được thực hiện theo lộ trình ngay từ đầu nhiệm kỳ. Đặc biệt trong năm 2024, Bộ Xây dựng đã rà soát, tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP và một số Nghị định có liên quan về quản lý dự án đầu tư xây dựng để thực hiện phân cấp mạnh mẽ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ về cho địa phương thực hiện.

3. Tích cực tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án, công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho công trình trọng điểm quốc gia, đẩy mạnh đầu tư công.

Ngay từ đầu năm 2024, thực hiện nhiệm vụ tại Công điện số 02/CĐ-TTg ngày 9/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông đã phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành liên quan và 46 địa phương, đồng thời thành lập tổ công tác liên bộ để tập trung tháo gỡ vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng, khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án.

Bộ Xây dựng cũng phối hợp các bộ, ngành, địa phương xử lý những yêu cầu mới phát sinh theo chức năng nhiệm vụ. Thực hiện nhiệm vụ, Hội đồng kiểm tra Nhà nước các công trình xây dựng đã kiểm tra 120 đợt theo kế hoạch. Các công trình do Thủ tướng Chính phủ giao đã được hội đồng kiểm soát chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời để chủ đầu tư và các nhà thầu thực hiện tuân thủ yêu cầu thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho dự án.

4. Tăng trưởng ngành Xây dựng đạt khoảng 7,8% - 8,2%, cao nhất từ năm 2020 đến nay

Năm 2024, tăng trưởng ngành Xây dựng đạt khoảng 7,8% - 8,2%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,4% - 7,3%). Đây cũng là tốc độ tăng trưởng cao nhất ngành Xây dựng đạt được từ năm 2020 đến nay, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng GDP chung của nền kinh tế.

Tỷ lệ đô thị hóa đạt 44,3%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 43,7%. So với chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Tỷ lệ thu gom xử lý nước thải 18%; diện tích nhà ở bình quân cả nước 26,5 m2 sàn/người.

5. Phát triển nhà ở xã hội được đặc biệt quan tâm

Chính sách nhà ở xã hội trong năm 2024 được Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo, xác định nhiệm vụ đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp là một trong các tiêu chí, chính sách quan trọng, nhân văn nhằm bảo đảm an sinh xã hội, động lực phát triển ổn định kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể, ngày 24/5/2024, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Đây là lần đầu tiên Đảng có chỉ đạo đối với công tác phát triển NOXH. Khẩn trương thực hiện, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 927/QĐ-TTg ngày 30/8/2024 về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW.

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 161/2024/QH15 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Trong năm, Bộ Xây dựng phối hợp Văn phòng Chính phủ tổ chức 02 Hội nghị tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Bộ đang trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội.

6. Thị trường bất động sản vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để lấy đà phục hồi phát triển

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng cùng các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản đã làm việc lần lượt với các địa phương và các doanh nghiệp bất động sản để nghe báo cáo, nắm thông tin, tình hình và rà soát đến từng dự án bất động sản cụ thể để trao đổi, hướng dẫn, giải đáp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.

Chính sách nhà ở xã hội trong năm 2024 được Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Cùng với hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật, những giải pháp quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, sự nỗ lực cố gắng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, thị trường bất động sản đã có những chuyển biến tích cực, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

7. Tiếp tục tập trung triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW

Trong năm 2024, Bộ Xây dựng tiếp tục tập trung triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng với kịp thời thế chế hóa Nghị quyết 06-NQ/TW bằng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, Bộ Xây dựng đã đẩy nhanh tiến độ thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch, tổ chức thẩm định phân loại, công nhận đô thị.

Tính đến hết tháng 11/2024, toàn quốc có 900 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 21 đô thị loại I, 39 đô thị loại II, 44 đô thị loại III, 97 đô thị loại IV.

Thực hiện các Nghị quyết Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, trong năm 2024, Bộ Xây dựng đã thành lập Tổ công tác chủ động làm việc với 30 tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương để đôn đốc triển khai các quy hoạch chung đô thị, chương trình phát triển đô thị; đã có 22 đơn vị hành chính là thành phố, thị xã thực hiện sắp xếp; 59 thị trấn trên phạm vi 05 tỉnh, thành phố được đề nghị sắp xếp, đáp ứng mục tiêu và kế hoạch đề ra.

8. Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, cung ứng sử dụng vật liệu xanh, vật liệu mới, vật liệu thay thế trong xây dựng công trình

Trên cơ sở tham mưu của Bộ Xây dựng, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển vật liệu xanh, với các cơ chế chính sách phù hợp, nhiều loại vật liệu xanh, vật liệu mới trong nước đã ngày càng được nghiên cứu và phát triển nhiều hơn…

Hiện nay, Bộ Xây dựng đã xây dựng và ban hành hoặc chuyển cho cơ quan có thẩm quyền ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng theo nhiệm vụ đặt ra tại Quyết định số 452/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Chương trình Tuần lễ Công trình xanh đã thành sự kiện thường niên, uy tín của Bộ Xây. Với các chính sách ban hành liên quan đến phát triển vật liệu xanh, số lượng và chủng loại vật liệu xanh ngày càng tăng và đa dạng, đóng góp vào số lượng các công trình xanh tại Việt Nam theo chiều hướng tăng: Năm 2022 có khoảng 200 công trình xanh; năm 2023 có khoảng hơn 300 công trình xanh; năm 2024 đã có trên 500 công trình xanh.

9. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử

Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định 926/QĐ-BXD ngày 11/10/2024, phê duyệt Đề án Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030. Đề án hướng tới mục tiêu từng bước hiện đại hóa hành chính, minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến ngành Xây dựng.

Trong công tác cải cách hành chính, Bộ Xây dựng đã thực thi được 8/9 thủ tục hành chính đạt 88%. Bộ đang cung cấp 35 dịch vụ công trực tuyến trên tổng số 119 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý ngành Xây dựng; triển khai thí điểm ứng dụng GIS trong công khai thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên cổng thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị Việt Nam.

10. Triển khai quyết liệt tổng kết Nghị quyết 18 -NQ/TW và Đề án sắp xếp tinh gọn bộ máy

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo Chính phủ tổng kết Nghị quyết 18- NQ/TW , Bộ Xây dựng đã khẩn trương, tích cực làm việc với Bộ Giao thông vận tải để hoàn thiện báo cáo Tổng kết Nghị quyết 18 và dự thảo Đề án Hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ đúng thời hạn.

Trong quá trình triển khai xây dựng đề án, Bộ Xây dựng nghiêm túc quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và của Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng; nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tạo được sự đồng thuận, nhất trí, cùng vì sự nghiệp và nhiệm vụ chính trị chung; tin tưởng vào sự hợp nhất là sức mạnh và hiệu lực, hiệu quả. Phấn chấn và vững bước, trên bất kỳ cương vị nào cũng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao./.