Cổ phiếu chuỗi bán lẻ dược phẩm: Triển vọng tăng trưởng trong dài hạn?

Các công ty niêm yết vận hành chuỗi bán lẻ dược phẩm trên thị trường chứng khoán tiếp tục được hưởng lợi đáng kể, theo đó sẽ duy trì tốc độ mở cửa hàng mới trong tương lai.

Đại dịch COVID-19 đã hạn chế việc thăm khám tại bệnh viện. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu dược phẩm trong kênh bệnh viện, nhưng đã tạo cơ hội cho kênh nhà thuốc thu hút được những khách hàng mới phải tự mua thuốc.

Báo cáo phân tích từ Công ty chứng khoán SSI cho rằng các công ty niêm yết vận hành chuỗi bán lẻ dược phẩm trên thị trường chứng khoán (Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số - mã FRT và Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động - mã MWG) tiếp tục được hưởng lợi đáng kể, theo đó sẽ duy trì tốc độ mở cửa hàng mới trong tương lai.

Duy trì tốc độ mở cửa hàng mới

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI chỉ ra 3 yếu tố ba yếu tố tiềm năng của ngành.

Thứ nhất, các nhà thuốc theo mô hình hiện đại đang giành thị phần từ các hiệu thuốc truyền thống, trong bối cảnh Chính phủ đưa ra các quy định chặt chẽ hơn đối với các nhà bán lẻ dược phẩm (như kiểm soát chặt chẽ hơn đối với thuốc kê đơn và triển khai hình thức đơn thuốc điện tử).

[Tiến tới thời đại chuyển đổi kỹ thuật số của các nhà thuốc]

Thứ hai, kênh nhà thuốc hiện đại có thể sẽ chiếm thị phần từ kênh bệnh viện, do các bệnh viện công thận trọng hơn trong hoạt động đấu thầu thuốc.

Cuối cùng là nhu cầu của người dân đối với các sản phẩm vitamin và thực phẩm chức năng gia tăng để củng cố sức khỏe trong bối cảnh "sống chung với COVID-19."

“Các chuỗi bán lẻ dược phẩm sẽ tiếp tục được hưởng lợi đáng kể từ sự kết hợp của ba yếu tố trên. Hơn nữa, tác động của ba yếu tố này vẫn tương đối lớn trong thời gian tới,” bà Phương nói.

Theo báo cáo của Tổ chức EIU (Economist Intelligence Unit), doanh thu ngành dược phẩm tại Việt Nam đạt 5,9 tỷ USD vào năm 2021 (tăng 9,6% so năm 2020). Trong giai đoạn 2017 - 2021, doanh thu dược phẩm tăng trưởng hàng năm (CAGR) là 7,4%. Thêm vào đó, EIU dự báo tốc độ sẽ đạt 9,5% trong 5 năm tới, bởi nhu cầu chi tiêu cho các sản phẩm liên quan đến sức khỏe sẽ tăng cùng với thu nhập người dân đi lên.

Bên cạnh đó, Tổ chức IQVIA Institute cũng chỉ ra các chuỗi nhà thuốc hiện đại đã tăng tốc mở mới (kể từ năm 2021) để giành thị phần từ các nhà thuốc truyền thống. Trước đó, Việt Nam có 55.300 cửa hàng thuốc vào năm 2016, trong đó 185 cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc hiện đại. Sang đến năm 2021, tổng số cửa hàng thuốc giảm xuống còn 44.600, tuy nhiên chuỗi nhà thuốc hiện đại lại đạt 1.600 cửa hàng.

Đại dịch COVID-19 đã tạo cơ hội cho kênh nhà thuốc thu hút được những khách hàng mới phải tự mua thuốc. (Ảnh: Bách hóa xanh)

“Năm 2022, các chuỗi nhà thuốc hiện đại lớn tiếp tục đặt mục tiêu mở mới đầy tham vọng. Nhiều công ty mới cũng bước chân vào thị trường, bao gồm Wincommerce (sở hữu chuỗi cửa hàng bách hóa Winmart, với khoảng 3.000 siêu thị nhỏ) và Viettel (sở hữu mạng lưới bán lẻ với khoảng 370 cửa hàng viễn thông),” báo cáo của IQVIA đánh giá.

Tích lũy trong giai đoạn giá cổ phiếu điều chỉnh

Trên thị trường chứng khoán, mã FRT đang giao dịch với P/E (hệ số giá trên lợi nhuận) năm 2023 là 17,5 lần và bà Phương cho rằng con số này là hợp lý.

Theo báo cáo của SSI, chuỗi nhà thuốc Long Châu (FRT đang sở hữu 85%) đã phát triển hơn 700 cửa hàng trên cả nước. FRT có kế hoạch nâng lên 3.000 cửa hàng trong 5 năm tới. Về lợi thế, nhà thuốc Long Châu có trên 12.000 SKU [đơn vị phân loại hàng hóa tồn kho-pv] và cao hơn nhiều so với chỉ khoảng 1.000~2.000 SKU của các hiệu thuốc nhỏ. Điều này cho phép công ty đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chữa bệnh mãn tính (tiểu đường, tim mạch và ung thư) vốn tăng lên cùng với tuổi thọ và thu nhập khả dụng của người dân.

“Sự lựa chọn đa dạng giúp các nhà thuốc Long Châu tạo ra doanh thu cao hơn nhiều so với các nhà thuốc khác,” bà Phương cho biết.

Đại dịch COVID-19 đã tạo cơ hội cho kênh nhà thuốc thu hút được những khách hàng mới phải tự mua thuốc. (Ảnh: Bách hóa xanh)

Theo bà Phương, cổ phiếu FRT có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng ước tính 15% so với cùng kỳ vào năm 2023. Trên cơ sở đó, giá mục tiêu cho FRT là 91.500 đồng/cổ phiếu.

“Khả năng lợi nhuận quý 4/2022 của FRT sẽ giảm so với mức nền cao của năm ngoái, do đó nhà đầu tư nên cân nhắc tích lũy cổ phiếu trong giai đoạn giá cổ phiếu xuống thấp,” báo cáo của SSI khuyến nghị.

Bên cạnh đó, nhóm phân tích của SSI cho rằng mã MWG đang giao dịch với P/E năm 2023 là 15 lần. Dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận của MWG ước tính 31% so với cùng kỳ vào năm 2023, nhóm phân tích cho rằng mức định giá hiện tại là khá hấp dẫn.

Trước đó, MWG mua lại An Khang vào năm 2017 với 14 cửa hàng và phát triển lên 600 cửa hàng phủ khắp 33 tỉnh, thành. MWG cũng đặt mục tiêu tăng trưởng lần lượt 800 và 2.000 cửa hàng vào cuối năm 2022 và 2023.

“Số lượng SKU của chuỗi cửa hàng An Khang không nhiều bằng Long Châu, nhưng với tình hình tài chính an toàn của MWG cho phép công ty tăng tốc độ mở mới để bắt kịp FRT trong tương lai gần,” bà Phương cho hay.

Thêm vào đó, MWG có cơ sở khách hàng từ chuỗi siêu thị và mảng công nghệ và bán lẻ rộng khắp cả nước, nhờ đó chuỗi An Khang có thể tận dụng lợi thế này để tăng cường bán chéo sản phẩm.

“Vì vậy, giá mục tiêu cho cổ phiếu MWG là 87.800 đồng/cổ phiếu (tương ứng với tiềm năng tăng giá là 20%),” nhóm phân tích đề xuất./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)