Cơ hội nào cho doanh nghiệp công nghệ số VN "thâm nhập" thị trường tiềm năng?
Khu vực ASEAN với dân số hơn 650 triệu người, một nền kinh tế năng động và đang trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ là "sân chơi" đầy tiềm năng cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Kỷ nguyên số đang mở ra những cơ hội chưa từng có cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vươn ra thế giới, đặc biệt là thị trường gần - khu vực ASEAN.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị "Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới" diễn ra ngày 17/10, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, là diễn đàn quan trọng để phân tích " "bức tranh" toàn cảnh về tiềm năng, thách thức và các giải pháp chiến lược giúp doanh nghiệp Việt Nam chinh phục thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường ASEAN cũng như vạch ra những chiến lược cụ thể để doanh nghiệp Việt Nam khai thác hiệu quả thị trường này.
Tiềm năng và động lực
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Cục phó Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, cho biết Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và công nghệ, nhưng tỷ trọng đầu tư vào công nghệ thông tin còn nhỏ, cho thấy tiềm năng tăng trưởng lớn. Trong nước, thị trường còn khiêm tốn song có tốc độ tăng trưởng tốt. Thêm vào đó, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, dồi dào và chi phí cạnh tranh.
Đến nay, chất lượng nguồn nhân lực đang được cải thiện nhờ hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn, chương trình đào tạo chất lượng cao và số lượng sinh viên công nghệ thông tin tăng, trong tương lai cần tiếp tục cải thiện chỉ số kỹ năng kỹ thuật và đào tạo nghề.
“Việc hợp tác với các hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Bosch, Qualcomm, Samsung là một hướng đi đúng đắn để cải thiện chất lượng đào tạo,” ông Tuyên nói.
Theo đó, ông Tuyên cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng tham gia vào chuỗi cung ứng công nghệ số, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế, đào tạo nhân lực và sản xuất chip. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Việt Nam mặc dù đang có lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân lực, nhưng đã đến lúc cần nâng cao các năng lực cạnh tranh khác trong các lĩnh vực như tư vấn, giải pháp, sản phẩm.
Về môi trường phát triển, ông Tuyên cho hay đang có nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Cụ thể, Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ Số đang được xây dựng sẽ tạo ra một khuôn khổ pháp lý thuận lợi hơn cho doanh nghiệp công nghệ số. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng cùng với các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và mở rộng thị trường cũng sẽ giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn. Hơn nữa, việc thành lập mạng lưới đại diện công nghiệp công nghệ số ở nước ngoài cũng là một điểm cộng lớn.
Chỉ ra các doanh nghiệp tại các nước phát triển, như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Australia… đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác với doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam, ông Tuyên nhấn mạnh đây là một cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường, công nghệ và kinh nghiệm quốc tế.
Tuy nhiên bên cạnh những lợi thế nêu trên, thì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa vẫn còn nhiều hạn chế. Đến nay, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào gia công phần mềm, chưa mạnh về tư vấn, giải pháp và sản phẩm. Do đó, ông Tuyên cho rằng cần đầu tư mạnh hơn vào nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Điểm hạn chế khác của các doanh nghiệp công nghệ số trong nước cũng được ông Tuyên nêu ra, đó là sự thiếu kinh nghiệm trong việc hoạt động tại thị trường nước ngoài, từ văn hóa kinh doanh đến pháp lý và quản lý. Thêm vào đó, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư ra nước ngoài vẫn còn phức tạp và mất thời gian cho doanh nghiệp.
Nhấn mạnh hành trình vươn ra thế giới không phải là con đường trải “thảm đỏ.” Ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài-Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng chỉ ra thách thức doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần vượt qua những rào cản về năng lực cạnh tranh. Trên thực thế, các doanh nghiệp chủ yếu vẫn tập trung vào gia công phần mềm, thiếu kinh nghiệm quốc tế, sản phẩm chưa đủ đột phá và thương hiệu chưa được khẳng định rõ nét. Trong khi đó, cạnh tranh khốc liệt từ các "ông lớn" công nghệ toàn cầu cũng là một thách thức lớn.
"Sân chơi" nhiều hứa hẹn
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Huy, Vụ thị trường châu Á, châu Phi, Bộ Công Thương, chỉ ra các cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại khu vực ASEAN với dân số hơn 650 triệu người. Đây là nền kinh tế năng động và đang trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ, là "sân chơi" đầy tiềm năng.
Theo ông Huy, Việt Nam có hoạt động xuất-nhập khẩu tại các quốc gia ASEAN với kim ngạch 73,42 tỷ USD trong năm 2023. Thêm vào đó, các nước trong khu vực đang dịch chuyển dần sang lĩnh vực dịch vụ. Trong 10 năm qua, ngành dịch vụ dần chiếm tỷ trọng quan trọng của cơ cấu các ngành kinh tế, như tại Philippines là xấp xỉ 71%, Singapore gần 61%, Thái Lan là 56%. Điều này sẽ tạo ra nhu cầu lớn về các giải pháp, dịch vụ công nghệ số. Thêm vào đó, thương mại điện tử tại khu vực đang “bùng nổ” và dự kiến đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030 với sự gia tăng người dùng Internet, qua đó sẽ mở ra cơ hội “vàng” cho doanh nghiệp Việt.
Ông Huy nhấn mạnh Hiệp định Khung về Kinh tế Kỹ thuật số ASEAN (DEFA), sẽ là“cú hích” mạnh mẽ, thúc đẩy hợp tác và hội nhập số trong khu vực.Đây là Hiệp định kinh tế số toàn khu vực lớn đầu tiên trên thế giới. Cụ thể, Hiệp định DEFA sẽ góp phần giúp thương mại trực tuyến giữa các quốc gia ở Đông Nam Á trở nên nhanh hơn và thuận tiện hơn sau khi ASEAN bắt đầu xây dựng một khuôn khổ mới có thể mở ra tiềm năng trị giá hàng nghìn tỷ USD cho nền kinh tế kỹ thuật số vào năm 2030; trong đó sáu nội dung trọng điểm đồng thời là kế hoạch hành động sẽ được triển khai trong thời gian tới. Cụ thể là tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại; bảo vệ dữ liệu và hỗ trợ thương mại-đổi mới số; cho phép thanh toán kỹ thuật số xuyên suốt; mở rộng thị trường lao động chuyên ngành số; khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và phối hợp hành động.
Với kinh nghiệm "chinh chiến" thực tế, ông Hà Thế Dương, Phó tổng giám đốc Viettel Global, cho rằng để các "chiến binh" công nghệ số Việt Nam thực sự tung hoành được trên trường quốc tế, cần trang bị một chiến lược toàn diện, sắc bén và đa chiều. Trước hết, các doanh nghiệp này cần phải có tầm nhìn chiến lược, thông qua việc nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng, nắm bắt xu hướng, nhu cầu và đối thủ cạnh tranh. Tiếp theo, các doanh nghiệp cần xác định "mặt trận” tấn công trọng điểm bằng cách tập trung vào thị trường ngách phù hợp với thế mạnh của doanh nghiệp. Một trong những mũi nhọn không thể thiếu chính là đổi mới sáng tạo, đầu tư mạnh mẽ vào R&D (nghiên cứu và phát triển) để phát triển sản phẩm đột phá, tạo lợi thế cạnh tranh. Song song đó, doanh nghiệp cần xây dựng một thương hiệu vững chắc, nâng cao nhận diện thương hiệu trên trường quốc tế là yếu tố then chốt để thu hút khách hàng và đối tác. Sức mạnh nội tại của doanh nghiệp cũng cần được tôi luyện bằng việc phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, ngoại ngữ và tư duy toàn cầu.
Bên cạnh đó, ông Dương cho rằng để ra “biển lớn,” các doanh nghiệp cần mở rộng liên minh, từ đó hợp tác chiến lược, xây dựng hệ sinh thái đối tác vững chắc, tạo sức mạnh tổng hợp và mở rộng mạng lưới. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, coi đó như nguồn lực hỗ trợ quan trọng, cụ thể là việc kết nối với Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Ngoài ra, ông Dương nhấn mạnh việc tuân thủ pháp luật quốc tế và nước sở tại là nguyên tắc "sống còn" trên thương trường quốc tế. Cuối cùng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp linh hoạt, thích ứng và tôn trọng sự đa dạng văn hóa sẽ giúp doanh nghiệp hòa nhập và chinh phục thị trường toàn cầu.
Tại hội nghị, các diễn giả kiến nghị Chính phủ, với vai trò kiến tạo và dẫn dắt sự phát triển của ngành công nghệ số, cần có những chiến lược hỗ trợ toàn diện và hiệu quả. Đầu tiên là "mở đường" cho doanh nghiệp bằng cách đơn giản hóa thủ tục đầu tư ra nước ngoài, giảm thiểu tối đa rào cản hành chính; tếp theo là cung cấp thông tin thị trường một cách đầy đủ và kịp thời, kết nối doanh nghiệp với đối tác tiềm năng và tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, các cấp quản lý cần ưu tiên cho đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu quốc tế cũng là một nhiệm vụ trọng yếu. Điểm quan trọng nữa là cần xây dựng chính sách hỗ trợ toàn diện, bao gồm ưu đãi về thuế, tín dụng và tiếp cận vốn, giúp doanh nghiệp củng cố nguồn lực và tăng cường sức cạnh tranh. Ngoài ra, các cấp, các ngành cần chủ động tăng cường quảng bá thương hiệu quốc gia, nâng cao vị thế và uy tín của ngành công nghệ số Việt Nam trên trường quốc tế là bước đi quan trọng để thu hút đầu tư và hợp tác./.