Cơ hội hợp tác kinh tế giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Chungcheongbuk

Cộng đồng doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh hy vọng Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh-Chungcheongbuk mở ra nhiều cơ hội kết nối, tận dụng tốt thế mạnh để thúc đẩy sự phát triển cho hai bên.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và ông Kim Young Hwan - Tỉnh trưởng Chungcheongbuk (Hàn Quốc) ký Bản Ghi nhớ về Quan hệ Hợp tác Hữu nghị giữa Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Chính quyền tỉnh Chungcheongbuk. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc) có nhiều lợi thế bổ sung cho nhau trong việc phát triển các ngành kinh tế ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh-Chungcheongbuk 2023 do Hội đồng tỉnh Chungcheongbuk tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 18/12.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc tỉnh Chungcheongbuk chọn Thành phố Hồ Chí Minh làm nơi tổ chức Diễn đàn Kinh tế, với sự hiện diện đông đủ của lãnh đạo địa phương và gần 40 doanh nghiệp, thể hiện sự quan tâm và tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Chungcheongbuk nói riêng, doanh nghiệp Hàn Quốc nói chung đối với môi trường đầu tư kinh doanh của Thành phố Hồ Chí Minh cũng như sự phát triển bền vững của hai địa phương.

Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Chungcheongbuk vừa ký kết thỏa thuận hợp tác với bốn vấn đề trọng tâm đó là thúc đẩy để hỗ trợ các hoạt động thương mại và đầu tư; trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp thông minh; hợp tác đào tạo giữa các trường đại học, trung học; hướng dẫn và tạo điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các dự án đầu tư.

"Quan hệ hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh với Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận những bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch.

Trong năm 2023, Hàn Quốc có 127 dự án đầu tư mới vào Thành phố Hồ Chí Minh tổng vốn đầu tư đạt 27 triệu USD. Lũy kế đến nay Hàn Quốc có 2.160 dự án với tổng số vốn đầu tư là 5,5 tỷ USD, chiếm 9,5% tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi đón tiếp rất nhiều đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc đến thăm và tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư.

Cộng đồng người Hàn Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh đã lên đến hơn 80.000 người và có đóng góp tích cực cho sự phát triển của thành phố," Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông tin.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn, là trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và là đầu mối giao thương mại của Việt Nam.

Với quy mô dân số trên 10 triệu dân, đóng góp 22% GDP và 27% nguồn thu ngân sách cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc trao đổi cơ hội hợp tác trong khuôn khổ Diễn đàn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh chuyển dịch kinh tế từ thâm dụng lao động, tài nguyên, đất đai, năng lượng sang nền kinh tế thân thiện với môi trường, tăng trưởng xanh.

Do đó, nhu cầu ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông minh trong tất cả các ngành từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, phát triển đô thị của thành phố là rất lớn.

Trong khi đó, Chungcheongbuk dù là một tỉnh nhỏ, không có biển nhưng lại nằm trong vùng lõi của Hàn Quốc và có sự bứt mạnh mẽ trong nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn như công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

Cùng với sự quyết tâm của lãnh đạo hai địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, cơ hội hợp tác của hai bên đang rất rộng mở.

Ông Kim Young-hwan, Thống đốc tỉnh Chungcheongbuk, cho biết Chungcheongbuk là tỉnh nhỏ của Hàn Quốc với dân số chỉ 2 triệu người. Tuy nhiên đây là trung tâm kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc.

Trong năm 2023, Chungcheongbuk đã thu hút được trên 39.000 tỷ won đầu tư mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,9%/năm.

Ngược lại Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là trung tâm của khu vực Đông Dương với rất nhiều tiềm năng phát triển chưa được khai thác, đặc biệt nhất Thành phố Hồ Chí Minh có thế mạnh về nguồn nhân lực trẻ, dồi dào mà Chungcheongbuk không có.

Theo Thống đốc tỉnh Chungcheongbuk, Thành phố Hồ Chí Minh cần khai thác tốt các lợi thế về con người, tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua hợp tác đào tạo, chuyển giao công nghệ với các đối tác tại Chungcheongbuk.

Khi có nguồn nhân lực chất lượng cao, kết hợp với các thành tựu về khoa học, công nghệ được chia sẻ, Thành phố Hồ Chí Minh có thể đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất như nông nghiệp thông minh, công nghệ sinh học, công nghiệp công nghệ cao.

Đồng thời, nhân lực được đào tạo bài bản cũng là nền tảng để Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển đô thị thông minh…

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định quan hệ hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ là nền tảng quan trọng để các địa phương hai bên đẩy mạnh giao lưu, kết nối.

Chungbuk là trung tâm sản xuất chất bán dẫn, nghiên cứu công nghệ sinh học, pin năng lượng mặt trời của Hàn Quốc.

Thông qua các hoạt động kết nối doanh nghiệp hai địa phương, doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh có cơ hội được học hỏi những lĩnh vực mà Hàn Quốc đã và đang tiên phong trên thế giới như công nghiệp hóa, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế tạo, công nghiệp sinh học, văn hóa và du lịch, đặc biệt là kinh tế số.

Cộng đồng doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh hy vọng Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh-Chungcheongbuk sẽ mở ra nhiều cơ hội kết nối, tận dụng tốt tiềm năng, thế mạnh của nhau để thúc đẩy sự phát triển cho hai bên.

Trao đổi tại Diễn đàn, các chuyên gia hàng đầu về năng lượng xanh, công nghệ sinh học của tỉnh Chungcheongbuk và các doanh nghiệp Việt Nam đã chia sẻ về tiềm năng, quy mô phát triển của các lĩnh vực trong tương lai.

Đồng thời, bày tỏ sẵn sàng hợp tác cùng nhau trong việc đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, đầu tư, thương mại hoá các công trình nghiên cứu và sản phẩm phục vụ nền kinh tế thông minh vì mục tiêu chung hướng đến phát triển bền vững./.