Cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào cơ sở giết mổ động vật tập trung
Cả nước hiện có 440 cơ sở giết mổ động vật tập trung (trong đó chỉ có 433 cơ sở đang còn hoạt động) và hơn 24.800 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ.
Ngày 26/6, tại thành phố Tân An, tỉnh Long An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An tổ chức Hội nghị Kiểm soát giết mổ động vật.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị các tỉnh, thành phố trong cả nước cần tập trung vào cơ chế chính sách để thu hút đầu tư vào cơ sở giết mổ tập trung; tăng cường nguồn ngân sách cho quản lý, đặc biệt là hệ thống thú y các cấp; tập trung chỉ đạo, giám sát 100% các cơ sở giết mổ.
Đồng thời, yêu cầu Cục Thú y tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ thú y ở cơ sở; tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế để Việt Nam có điều kiện tốt quản lý cơ sở giết mổ, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh.
Báo cáo về công tác kiểm soát giết mổ động vật, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết cả nước hiện có 440 cơ sở giết mổ động vật tập trung (trong đó chỉ có 433 cơ sở đang còn hoạt động) và hơn 24.800 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ.
Mặc dù, công tác kiểm soát giết mổ còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, nhưng các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y ở trung ương và địa phương đã và đang triển khai thực hiện kiểm soát giết mổ được số lượng rất lớn gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tổng số gia súc, gia cầm được kiểm soát giết mổ tại 63 địa phương trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024 là hơn 2,5 triệu con trâu, bò; hơn 26,4 triệu con lợn và hơn 214 triệu con gia cầm.
Nhiều địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố phía Nam công tác kiểm soát giết mổ động vật được duy trì tốt.
Cụ thể, 75% số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và hơn 98% số cơ sở giết mổ tập trung được nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ; người kinh doanh giết mổ có ý thức chấp hành pháp luật thú y; chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo công tác quản lý hoạt động giết mổ trên địa bàn.
Trong những năm qua, công tác quản lý thú y đã chú trọng, tập trung vào việc đánh giá nguy cơ dịch bệnh động vật, an toàn thực phẩm thông qua giám sát dịch bệnh động vật, giám sát an toàn thực phẩm trong quá trình chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ động vật, bảo quản, buôn bán sản phẩm động vật.
Các hoạt động giám sát này không những góp phần quan trọng trong việc cảnh báo sớm các nguy cơ dịch bệnh đối với động vật, nguy cơ mất an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, nhằm cung cấp các sản phẩm thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng và xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Long, công tác kiểm soát giết mổ vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện kiểm soát giết mổ.
Tại một số địa phương, vẫn còn tình trạng giết mổ không phép; hầu hết các địa phương khó kêu gọi được nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung.
Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực thực hiện kiểm soát giết mổ vẫn còn nhiều bất cập và thiếu nhân sự trong khi số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nhiều, hoạt động giết mổ thủ công rất đa dạng, thời gian giết mổ lại cùng một khung giờ nên gây khó khăn cho quản lý hoạt động giết mổ, kiểm soát giết mổ.
Cùng với đó, vẫn tồn tại các cơ sở giết mổ không được cấp phép, không được kiểm soát giết mổ theo quy định. Điều này dẫn đến có nguy cơ cao việc buôn bán, giết mổ, chế biến động vật bị chết, mắc bệnh truyền nhiễm để làm thực phẩm, không chỉ gây mất an toàn thực phẩm mà còn làm lây lan dịch bệnh động vật và gây ô nhiễm môi trường...
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị, địa phương cũng trình bày tham luận về công tác kiểm soát giết mổ và các tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện.
Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, toàn tỉnh có 45 cơ sở cơ sở giết mổ được xây dựng, duy trì hoạt động và có sự kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y từ nhiều năm qua. Trung bình mỗi đêm giết mổ khoảng 220 con trâu bò, 5.300 con lợn và 67.500 gia cầm; trong đó, có trên 90% gia súc và 95% gia cầm được kiểm soát giết mổ.
Tuy nhiên, công tác kiểm soát giết mổ ở địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập nhất là về nguồn nhân lực.
Toàn tỉnh Long An hiện vẫn thiếu hơn 30 biên chế chuyên ngành thú y để thực hiện kiểm soát giết mổ. Đồng thời, đặc thù công việc kiểm soát giết mổ của cán bộ thú y là làm đêm hoàn toàn, không có ngày nghỉ trong cả năm, áp lực công việc rất lớn trong khi đó chế độ làm việc và đãi ngộ, bù đắp sức khỏe hiện nay chưa thỏa đáng.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ kiểm soát giết mổ và kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật đòi hỏi công chức ngạch kiểm dịch viên động vật hoặc kỹ thuật viên kiểm dịch động vật thực hiện.
Trong khi thực tế hiện nay, tất cả các Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện chỉ được giao biên chế viên chức (chức danh nghề nghiệp là Chẩn đoán viên bệnh động vật) nên chưa đảm bảo về “tư cách thực thi công vụ,” đặc biệt là việc ủy quyền cấp giấy chứng nhận kiểm dịch chưa đúng theo quy định.
Do đó, Long An kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đề xuất chế độ chính sách hợp lý cho cán bộ thú y thực hiện kiểm soát giết mổ do đây là ngành có đặc thù riêng; phối hợp Bộ Nội vụ khẳng định rõ loại hình tổ chức của Trạm Chăn nuôi và Thú y là “đơn vị hành chính” theo đúng Điều 6 Luật Thú y; đồng thời, đề nghị Trung ương bổ sung biên chế công chức cho các tỉnh để phân bổ cho các Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện nhằm đảm bảo tư cách pháp nhân của nhân viên thú y khi thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành.../.