Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt kết quả vượt kỳ vọng
Giáo sư Hứa Lợi Bình nhận định hai bên đã đạt được kết quả hết sức phong phú, nhiều nhất từ trước đến nay trong các chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc tới Việt Nam.
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam lần này vô cùng thành công.
Hai bên đã đạt được kết quả hết sức phong phú, nhiều nhất từ trước đến nay trong các chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc tới Việt Nam.
Đây là chia sẻ của Giáo sư Hứa Lợi Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương (CASS), Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh.
Giáo sư Hứa Lợi Bình cho rằng Việt Nam đã dành sự đón tiếp trọng thị đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, qua đó thể hiện rõ tình cảm hữu nghị mà nhân dân Việt Nam dành cho Trung Quốc. Bên cạnh đó, đây là chuyến thăm Việt Nam thứ tư của đồng chí Tập Cận Bình trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Trung Quốc và là chuyến thăm lần thứ hai trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Vì vậy, có thể nói, chuyến thăm này tiếp tục thúc đẩy cơ chế giao lưu giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước, thể hiện rõ tính chiến lược và sự dẫn dắt cấp cao trong quan hệ Trung-Việt.
Đối với hợp tác giữa hai Đảng, ông Hứa Lợi Bình cho biết trong các thỏa thuận được ký kết lần này cũng bao hàm nội dung về trao đổi kinh nghiệm quản lý, điều hành đất nước. Đặc biệt là trong lĩnh vực giao lưu nhân văn, lần này cũng nhấn mạnh việc phát huy vai trò của “tài nguyên đỏ” trong giao lưu giữa hai Đảng.
Phía Trung Quốc mời thanh niên Việt Nam đến Trung Quốc triển khai Chương trình “hành trình đỏ nghiên cứu, học tập,” tăng cường hiểu biết lẫn nhau và tình cảm hữu nghị nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ hai nước, đồng thời cũng để thanh niên Trung Quốc tới Việt Nam giao lưu, qua đó thể hiện rõ việc kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của hai nước.
Thời gian tới, hoạt động trao đổi và hợp tác giữa hai Đảng cũng sẽ tiếp tục được làm sâu sắc thêm.

Về kết quả chuyến thăm, ông Hứa Lợi Bình đánh giá chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thành công tốt đẹp, hai bên đã ký kết 45 văn bản thỏa thuận hợp tác với phạm vi bao trùm lớn, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kết nối cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là hợp tác về đường sắt, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, đào tạo nhân lực, đơn giản hóa thủ tục cửa khẩu, kinh tế số, kinh tế xanh, các lĩnh vực xã hội, văn hóa…
Việc Trung Quốc và Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác về đường sắt, đồng thời chính thức khởi động cơ chế hợp tác đường sắt Việt-Trung là một thành quả mới. Do hợp tác về đường sắt liên quan đến rất nhiều bộ/ngành khác nhau, không chỉ ở cấp trung ương mà còn ở cả cấp địa phương, và liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, phát huy vai trò của Ủy ban liên hợp về hợp tác đường sắt Việt-Trung là cần thiết để thực hiện công tác điều phối tổng thể, đảm bảo cho hợp tác đường sắt giữa Trung Quốc và Việt Nam được triển khai suôn sẻ và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, ủy ban này tạo ra một cơ chế vận hành rõ ràng, giúp cho hợp tác đường sắt song phương có thể được thúc đẩy một cách bài bản, tuần tự theo đúng kế hoạch.
Theo ông Hứa Lợi Bình, một khi tuyến đường sắt này được kết nối, không chỉ mang lại lợi ích cho Trung Quốc và Việt Nam, mà còn tác động tích cực đến toàn bộ khu vực.
Ví dụ, khi tuyến đường sắt này vận hành, hàng hóa của Việt Nam có thể dễ dàng vận chuyển vào Trung Quốc hoặc xuất khẩu sang châu Âu qua tuyến đường sắt Á-Âu, từ đó tiết kiệm rất nhiều về thời gian, chi phí vận chuyển và giá thành logistics. Không những vậy, tuyến đường sắt còn thúc đẩy mạnh mẽ giao lưu nhân dân.
Trong tương lai, khi tuyến đường sắt cao tốc này đưa vào khai thác, du khách Trung Quốc có thể trực tiếp đi tàu cao tốc tới Việt Nam du lịch, thậm chí tiếp tục di chuyển từ Việt Nam sang Thái Lan, Malaysia, Singapore.
Như vậy, tuyến đường sắt này sẽ đóng vai trò kết nối giao thông huyết mạch của cả khu vực, tạo động lực quan trọng cho liên kết hạ tầng, giao lưu nhân dân và phát triển kinh tế khu vực.
Chuyên gia Hứa Lợi Bình nhấn mạnh rằng, với vai trò là quốc gia nằm ở vị trí chiến lược then chốt của bán đảo Đông Dương, một khi đường sắt cao tốc Việt-Trung chính thức vận hành, vị thế chiến lược của Việt Nam trong khu vực sẽ tiếp tục được nâng lên.
Ví dụ, du khách từ Thái Lan, Malaysia, Singapore nếu muốn đến Trung Quốc du lịch, nhiều khả năng sẽ lựa chọn trung chuyển qua Việt Nam. Điều này giúp Việt Nam trở thành một trung tâm logistics và du lịch quan trọng.
Tương tự, hàng hóa trong khu vực cũng sẽ có xu hướng trung chuyển qua Việt Nam, biến Việt Nam trở thành một mắt xích chiến lược trong chuỗi logistics liên Á-Âu./.