'Chuyển đổi Số tạo đà cho thanh niên bứt phá, tạo ra giá trị mới'
Hiện nay, nếu thanh niên không quan tâm tới việc tăng cường Năng lực Số của bản thân, thì không chỉ ảnh hưởng tới chính cơ hội nghề nghiệp của mình mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu quốc gia.
Chuyển đổi Số là thách thức, song cũng là cơ hội để thanh niên đi nhanh hơn, xa hơn, bứt phá, tạo ra những giá trị mới; đóng góp vào sự hùng cường, thịnh vượng của quốc gia trong tương lai không xa.
Đó là nhận định của ông Bùi Quang Huy, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam tại tọa đàm “Tăng cường Năng lực Số cho thanh niên” diễn ra chiều 14/9, tại Nhà Quốc hội.
Tăng tốc để không bị tụt hậu
Theo ông Bùi Quang Huy, Chuyển đổi Số là một xu hướng tất yếu khách quan, diễn ra trên mọi mặt của đời sống xã hội, trên phạm vi toàn cầu mà không một quốc gia nào, tổ chức nào, cá nhân nào có thể đứng ngoài tiến trình đó. Cùng với nhận thức chung của Đảng, Nhà nước Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh xác định chuyển đổi số trước hết là chuyển đổi về nhận thức, bởi với công nghệ số người dùng có vai trò quan trọng hơn người tạo ra công nghệ gốc.
“Muốn chuyển đổi số cần có những công dân có đầy đủ năng lực số để học tập, làm việc, kinh doanh, khởi nghiệp, giải trí… trên môi trường số, bởi đây là cuộc cách mạng toàn dân. Người trẻ, hơn ai hết phải là đối tượng tiên phong trong nâng cao năng lực số của bản thân và hỗ trợ cộng đồng nâng cao năng lực số,” ông Huy nói.
Theo ông Huy, trong bối cảnh Chuyển đổi Số, thanh niên phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, mà điển hình nhất, dễ thấy nhất đó là sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường lao động khi máy móc dần thay thế con người trong một số lĩnh vực và sự chuyển dịch về lực lượng lao động toàn cầu.
Với sự cạnh tranh khắc nghiệt như vậy, nếu thanh niên không quan tâm tới việc tăng cường năng lực số của bản thân, chủ động tham gia quá trình Chuyển đổi Số thì không chỉ ảnh hưởng tới chính cơ hội nghề nghiệp, việc làm, phát triển bản thân trong tương lai của thanh niên bị ảnh hưởng mà rộng hơn là thương hiệu quốc gia bị ảnh hưởng.
“Trước đây người ta thường nói đứng lại có nghĩa là thụt lùi. Nhưng giờ đây, dù bạn có đi nhưng nếu đi chậm hơn người khác tức là bạn đã thụt lùi,” ông Huy bày tỏ.
Ông Huy cũng cho biết bên cạnh sự nỗ lực của mỗi thanh niên, với trách nhiệm là người bạn đồng hành của thanh niên Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã tổ chức nhiều hoạt động góp phần tạo ra môi trường thuận lợi để thanh niên thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, có cơ hội tiếp cận, nâng cao kiến thức, kỹ năng số cần thiết cho học tập, lao động, khởi nghiệp, lập nghiệp.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Martin Chungong, Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) đồng tình cho rằng trong thời đại công nghệ số, các quốc gia đều có nhiều cơ hội và thách thức đi kèm. Ông Martin Chungong nhấn mạnh đến việc gắn kết thanh niên vào những nỗ lực này là sự đầu tư cần thiết cho tương lai. Cùng với đó, IPU đang tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số khi xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2020-2026 đặt Chuyển đổi Số, Công nghệ Số là ưu tiên hàng đầu để giải quyết thách thức.
“IPU tiếp tục tin tưởng mạnh mẽ và ủng hộ vai trò của các nghị viên trẻ, với những năng lực số và thanh niên là lực lượng tiên phong trong chuyển đổi số. Việt Nam là một ví dụ tiêu biểu khi chúng ta được chứng kiến sự năng động và đổi mới sáng tạo của giới trẻ. Đặc biệt, Việt Nam có cách tiếp cận về chuyển đổi số với nhiều tiến bộ và giới trẻ là lực lượng đi đầu trong công cuộc này,” Tổng Thư ký Martin Chungong đánh giá.
[Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu: Cơ hội thúc đẩy hợp tác quốc tế]
Nêu bật vai trò của Chuyển đổi Số và ứng dụng Chuyển đổi Số trong đại dịch COVID-19 vừa qua, ông Martin Chungong cho biết IPU đã tổ chức nhiều hoạt động với các nghị viện quốc gia theo hình thức trực tuyến; đào tạo các kỹ năng cho các nghị viên trẻ qua hình thức trực tuyến. Nhiều quốc gia đã ứng dụng công nghệ số để giải quyết công việc, thậm chí cả bỏ phiếu qua hình thức trực tuyến và được kết nối qua hệ thống mạng xã hội.
“Việc sử dụng công nghệ số giúp chúng ta hoạt động hiệu quả hơn, tăng cường kết nối hơn. Các nghị viên trẻ đang có những nhân tố quan trọng để thúc đẩy hợp tác thông qua công nghệ số. Nhờ công nghệ số mà thanh niên có thể góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, kết nối với thế giới. Vì thế, việc xây dựng công nghệ số cho giới trẻ là việc đầu tư thỏa đáng cho mục tiêu bao trùm trong tương lai,” ông Martin Chungong nói.
Kinh nghiệm từ nước ngoài
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Elibariki Immanuel Kingu, đại biểu Tanzania khẳng định rằng việc nâng cao Năng lực Số cho thanh niên là điều tất yếu phải làm và cần triển khai ở nhiều cấp độ, từ tiểu học, trung học đến đại học. Cách thức triển khai là trang bị máy móc công nghệ tại các trường học, khích lệ giới trẻ tiếp thu kiến thức mới ngay từ ở độ tuổi thiếu nhi. Khi trưởng thành, họ sẽ là lực lượng nòng cốt của quá trình đổi mới sáng tạo.
“Tôi cho rằng việc nâng cao Năng lực Số cho thanh niên là yếu tố quyết định để xây dựng một xã hội số, một nền kinh tế số và đó là cơ sở để phát triển một quốc gia trong thời đại ngày nay,” đại biểu chia sẻ.
Đóng góp ý kiến tại tọa đàm, bà Ana Catauta, đại biểu từ Quốc hội Romania, Chủ tịch Ủy ban Hỗn hợp của UNESCO cho hay hiện nay quốc gia này cũng đang rất tích cực khích lệ thanh niên nâng cao Năng lực Số.
“Romania là quốc gia phủ sóng 5G trên 90% diện tích. Hiện nay, chúng tôi không cần mang ‘bản cứng’ giấy tờ đi làm các thủ tục hành chính, mà tất cả đã được thực hiện Chuyển đổi Số. Do đó, việc mỗi người dân cần nâng cao năng lực số là điều tất yếu,” bà Ana Catauta cho biết.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, bà Ana Catauta cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần phải quan tâm đến những vấn đề phát sinh trong quá trình Chuyển đổi Số, chẳng hạn như khoảng cách giữa các thế hệ vì người lớn tuổi có thể bị hạn chế trong việc tiếp cận với mạng xã hội.
Bên cạnh đó, bà cũng đề cập đến khả năng suy giảm sự tôn trọng đa dạng văn hóa trên mạng xã hội, khó khăn trong kiểm soát nội dung được đăng tải trên mạng Internet, vấn đề vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ…
“Công nghệ làm thay đổi cuộc sống của chúng ta, khiến con người xích lại gần nhau hơn, lan tỏa dễ dàng hơn những giá trị văn hóa song chúng ta cũng cần tiếp tục bảo vệ những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống trong xã hội,” bà Ana Catauta chia sẻ./.