Chuyển đổi số mở ra cơ hội chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Tại Việt Nam, xu hướng chuyển đổi kinh tế xanh, chuyển đổi số mở ra cơ hội chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tận dụng cơ hội trong bối cảnh chuỗi cung ứng đang sắp xếp lại; nâng cao năng lực logistics.
Tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về hội nhập quốc tế năm 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng 16/9 tại Hà Nội, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại (Bộ Ngoại giao) Đinh Nho Hưng cho biết thế giới có những thay đổi nhanh chóng, mang tính chất chuyển giai đoạn.
Cụ thể là quá trình toàn cầu hóa tiếp diễn nhưng có màu sắc mới; quan hệ nước lớn phức tạp; sự vươn lên của Trung Quốc, Ấn Độ và châu Á-Thái Bình Dương; nhiều vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống, an ninh mới trở thành những thách thức lớn...
Hòa bình hợp tác vẫn là xu thế lớn, song nhiều trở ngại; toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng bị đe dọa luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương gặp thách thức lớn.
Thế giới cơ bản đã chuyển từ đối phó với đại dịch COVID-19 là chính sang cơ bản thích ứng an toàn. Đại đa số các nước mở cửa trở lại, "bình thường hóa" giao lưu trên hầu hết các lĩnh vực.
Năm vấn đề, xu hướng lớn đang được quan tâm là: cách mạng công nghiệp lần thứ 4; chuyển đổi số; chuyển đổi xanh, ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu; sắp xếp lại chuỗi cung ứng; thay đổi về lao động.
Tại Việt Nam, xu hướng chuyển đổi kinh tế xanh, chuyển đổi số mở ra cơ hội chuyển đổi mô hình tăng trưởng (năng lượng, vận tải biển, vận tải đường bộ, hàng không, phát triển thành phố xanh và thông minh); tận dụng cơ hội trong bối cảnh chuỗi cung ứng đang sắp xếp lại; nâng cao năng lực logistics; khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; nguồn nhân lực, thu hút FDI chất lượng.
Kết quả 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam vượt kịch bản cao đề ra, GDP quý 2 ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011.
GDP ước tăng 6,42%, cao hơn so với dự kiến kịch bản và cùng kỳ năm 2021, tương đương mức bình quân các năm trước dịch.
Sự phục hồi nhanh của khu vực dịch vụ, ước tăng 6,6%, cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ. Xuất nhập khẩu đạt 371,4 tỷ USD, tăng 16,4% so với 2021, trong đó xuất khẩu đạt 186 tỷ USD, tăng 17,3%.
Vận tải hành khách ước đạt 1.881 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 0,7%).
Vận tải hàng hóa ước đạt 951,2 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 11,5%).
Số khách quốc tế đến Việt Nam khoảng 602.000 lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 92,9% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19...
[Đơn giản hóa thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp]
Ông Đinh Nho Hưng cũng chia sẻ về phương hướng đối ngoại Đại hội Đảng XIII: triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại (gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; đối ngoại của các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp); đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất, thiết thực; cần huy động và kết hợp có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài với nguồn lực trong nước...
Chia sẻ về các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế: cơ hội-thách thức, quyền lợi-trách nhiệm của doanh nghiệp khi triển khai các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, thạc sỹ Lâm Thị Quỳnh Anh (Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Công Thương) cho biết chủ trương của Việt Nam hiện nay là Hội nhập toàn diện với 3 trụ cột: hội nhập quốc tế về kinh tế; hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng; hội nhập quốc tế về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo.
Hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội.
Hội nhập trong các lĩnh vực phải được thực hiện đồng bộ trong một chiến lược hội nhập quốc tế tổng thể với lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của đất nước.
Cũng theo bà Lâm Thị Quỳnh Anh, các doanh nghiệp có trách nhiệm thực thi hiệu quả các FTA; tìm hiểu kỹ về các cam kết trong các FTA; tìm hiểu kỹ về thị trường các nước thành viên FTA.
Để chủ động đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp cần thường xuyên trao đổi thông tin với đối tác nhập khẩu; cập nhật thông tin cảnh báo sớm; hoàn thiện sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế; tham gia tích cực vào quá trình điều tra, phối hợp tích cực với cơ quan điều tra.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc áp dụng các tiêu chuẩn, kỹ thuật, tuân thủ quy định của thị trường đối tác; áp dụng công nghệ vào sản xuất, quản lý; xây dựng chiến lược, lựa chọn khách hàng, lựa chọn thị trường...
Cũng tại hội nghị, tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa ra các lưu ý đối với việc xuất khẩu nông sản Việt Nam trong bối cảnh tham gia các Hiệp định FTA thế hệ mới.../.