Chuyến công tác của Thủ tướng đã đạt được kết quả như mong đợi
Việt Nam đã khẳng định sự chủ động, tích cực, chung tay với thế giới trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời khai mở cho giai đoạn mới trong hợp tác với các nước khu vực Trung Đông.
Chuyến công tác “2 trong 1” dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động Khí hậu Thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28), kết hợp hoạt động song phương tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết thúc tốt đẹp.
Chuyến công tác đã đạt được kết quả như mong đợi, khẳng định sự chủ động, tích cực của Việt Nam chung tay với thế giới trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời khai mở cho giai đoạn mới trong hợp tác với các nước khu vực Trung Đông.
Theo đặc phái viên TTXVN, trong 5 ngày công tác tại UAE và Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính có khoảng 60 hoạt động đa phương và song phương.
Trong số đó, ngoài dự và phát biểu tại các hội nghị, sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị COP28; các hội nghị, diễn đàn song phương với UAE, Thổ Nhĩ Kỳ; Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc tiếp xúc, gặp, làm việc với gần 40 nhà lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp hàng đầu khu vực và thế giới.
Các hoạt động trong chuyến công tác của Thủ tướng khẳng định cam kết của Việt Nam chung tay cùng cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, cụ thể là ứng phó với biến đổi khí hậu, bằng những bước đi, những hành động cụ thể, thiết thực để triển khai thực hiện những cam kết đó.
Cùng với đó, chuyến công tác cũng gửi đi thông điệp và bước đầu khai mở để thúc đẩy một giai đoạn hợp tác, phát triển mới với các nước Trung Đông, nhất là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư.
Ứng phó với biến đổi khí hậu: "Đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện"
Dubai - nơi tổ chức Hội nghị COP28 những ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12 trở thành tâm điểm của thế giới, với hơn 90.000 đại biểu, trong đó có hơn 140 nguyên thủ, nhà lãnh đạo các quốc gia đã hội tụ.
Thế giới mong chờ hội nghị sẽ có một kết quả tốt đẹp, vì sự phát triển thịnh vượng của cả nhân loại và sự mát lành của mẹ thiên nhiên - ngôi nhà chung Trái Đất.
Tham dự các hội nghị, sự kiện tại COP28, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ quan ngại vì biến đổi khí hậu đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ và tiến gần đến giới hạn đỏ. Biến đổi khí hậu tác động toàn cầu, tới toàn dân và trên mọi mặt đời sống xã hội. Trong khi đó, khoảng cách giữa cam kết và hành động chống biến đổi khí hậu vẫn còn xa. Vì vậy, mỗi quốc gia phải có trách nhiệm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chống biến đổi khí hậu, đặc biệt phải đảm bảo công bằng, công lý trong vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân này.
Là một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu với các cú sốc chưa cao, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, song với phương châm “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện,” ngay sau khi cam kết tại COP26 ở Glasgow, Việt Nam đã bắt tay ngay vào thực hiện các cam kết bằng những việc cụ thể, thiết thực.
Việt Nam đã xây dựng và tổ chức thực hiện: Chiến lược biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh, Quy hoạch điện VIII, Kế hoạch thực hiện và Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP, Kế hoạch phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp…
Những cam kết và hành động của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu được lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; bày tỏ sự ủng hộ, chung tay cùng Việt Nam thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Chính phủ đề cập đến 12 biện pháp cụ thể mà Việt Nam đã triển khai kể từ COP26 đến nay và tất cả lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế trong các tiếp xúc cũng như tại các hội nghị, tọa đàm đều nêu Việt Nam như là một hình mẫu của việc triển khai các cam kết.
Việt Nam thực sự được các nước coi là một hình mẫu trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Khai mở giai đoạn mới trong quan hệ với Trung Đông
Nhân dịp dự Hội nghị COP28, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ, tiếp xúc với gần 20 nguyên thủ, lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế như: Chủ tịch Cuba, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Ấn Độ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)...
Tại các cuộc tiếp xúc, ngoài điểm lại quan hệ hợp tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các lãnh đạo còn thảo luận, thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước, tổ chức quốc tế trong thời gian tới.
Đơn cử, với Liên minh châu Âu (EU) và các nước châu Âu, Thủ tướng đề nghị sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA); đề nghị EC xem xét sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Đặc biệt, trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều hoạt động song phương với UAE và Thổ Nhĩ Kỳ.
Như vậy, chỉ trong vòng gần 2 tháng, Thủ tướng Chính phủ đã có 2 chuyến công tác tới khu vực Trung Đông, đầu tiên là tham dự Hội nghị cấp cao của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và nay là thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ và hoạt động song phương UAE; cho thấy sự quan tâm và ưu tiên của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với thị trường rất tiềm năng ở Trung Đông.
Bộ trưởng Ngân khố và Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Simsek cho rằng hai quốc gia có những lĩnh vực có thể bổ sung được cho nhau và điều này sẽ thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư song phương.
Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Việt Nam là một đối tác quan trọng ở châu Á và Thổ Nhĩ Kỳ xem Việt Nam như là một cầu nối để có thể tăng cường đầu tư thương mại, sản xuất đến toàn bộ châu Á.
Ông cũng cho rằng chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính là cơ hội để gia tăng các triển vọng hợp tác giữa hai quốc gia về thương mại, đầu tư, du lịch cũng như tăng cường giao lưu hiểu biết giữa hai nền văn hóa.
Trong chuyến công tác lần này của Thủ tướng tới UAE và Thổ Nhĩ Kỳ, hai bên đã đạt được một số thỏa thuận, có tính chất khai mở cho một giai đoạn hợp tác mới toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả hơn, trong đó hai quốc gia này muốn thông qua Việt Nam để thúc đẩy quan hệ sâu hơn với ASEAN và Việt Nam cũng muốn qua các quốc gia này để quan hệ sâu rộng với khu vực Trung Đông.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đây là lần đầu tiên Thủ tướng Việt Nam thăm Thổ Nhĩ Kỳ, hai bên nhất trí hướng tới sớm nâng cấp quan hệ trong thời gian tới, trong đó sớm nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 4-5 tỷ USD.
Đối với UAE, hai bên đã đạt được những bước tiến đột phá, đã hoàn thành phần lớn các nội dung và có thể được ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) Việt Nam-UAE trong năm 2024.
Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ
Trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp nhiều tập đoàn kinh tế lớn, đa quốc gia trong nhiều lĩnh vực, nhất là các tập đoàn tài chính, năng lượng, công nghệ, hạ tầng...
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ dự, phát biểu tại sự kiện "Huy động tài chính thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu" và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề “Huy động nguồn lực cho Chuyển đổi Xanh.”
Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện, ban hành các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; hỗ trợ, tháo gỡ về mặt pháp lý cho các doanh nghiệp; luôn luôn cầu thị, lắng nghe để hoàn thiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông, thúc đẩy phát triển; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp.
Thủ tướng kêu gọi các nước phát triển, các tổ chức, cơ chế hợp tác, các đối tác phát triển, các định chế tài chính quốc tế và các tập đoàn tài chính toàn cầu tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về hoàn thiện thể chế; nguồn tài chính ưu đãi; công nghệ hiện đại; kinh nghiệm quản lý tiến tiến; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, để Việt Nam có cơ chế chính sách thông thoáng hơn, hạ tầng thông suốt hơn, quản trị thông minh hơn; giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; phát triển nhanh, bền vững, không ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẽ không làm phụ lòng các doanh nghiệp; mong muốn các đối tác đã tin cậy thì tin cậy hơn nữa, đã yêu quý Việt Nam thì yêu quý hơn nữa, đã phát triển rồi thì phát triển hơn nữa, đã quyết tâm thì quyết tâm hơn nữa, đã nỗ lực cố gắng thì nỗ lực cố gắng hơn nữa, đã hiệu quả thì hiệu quả hơn nữa; đồng hành cùng Việt Nam trong phát triển xanh, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ."
Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới Borge Brende nhận xét thế giới đang phải đối mặt với những vấn đề về địa chính trị và địa kinh tế nhưng Việt Nam vẫn là đang là quốc gia phát triển kinh tế tốt và sẽ thu hút được nhiều đầu tư hơn trong năm sau. Kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào xuất khẩu; đang có một vị trí tốt để phát triển nhưng vẫn cần tiếp tục đổi mới để có sự chuẩn bị tốt nhất cho sự phát triển nền Kinh tế Số vốn rất cần các nhân lực có trình độ cao và các Trung tâm nghiên cứu - các yếu tố then chốt cho việc tăng cường khả năng cạnh tranh trong tương lai.
Chính những gì Việt Nam đã và đang thực hiện, đã tạo được niềm tin của các nhà đầu tư. Qua đó, mở ra những cơ hội rất lớn để thu hút nguồn đầu tư chất lượng cao vào những dự án trọng điểm.
Ngay trong chuyến công tác đã có 21 văn kiện hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác được ký kết trong nhiều lĩnh vực như tài chính, thương mại, năng lượng, hàng không, công nghệ, nông nghiệp, du lịch...
Chuyến công tác thành công của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới UAE và Thổ Nhĩ Kỳ lần này thực hiện hiệu quả, cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về “tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế” và Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; đồng thời là hoạt động có ý nghĩa đúng dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-UAE./.