Chương trình Empow'her giúp Pháp cải thiện thành tích của các vận động viên nữ
VĐV bơi người Pháp cho biết: “Điều quan trọng là phải biết khi nào testosterone của tôi đạt đỉnh, bởi những lúc như vậy, chúng ta sẽ cảm thấy tốt nhất và sẽ đạt hiệu suất cao nhất trong tập luyện.”
Vận động viên bơi lội người Pháp Caroline Jouisse đã theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình trong sáu tháng qua và cung cấp những thông tin liên quan cho các huấn luyện viên của cô nhằm hoạch định chiến lược săn huy chương tại Olympic Paris 2024.
Các dữ liệu thu thập được sẽ giúp Caroline Jouisse lập kế hoạch về thời điểm tốt nhất để xây dựng cơ bắp - lý tưởng nhất là vào giữa và cuối chu kỳ kinh nguyệt, khi nồng độ nội tiết tố testosterone của cô ở mức cao nhất.
Vận động viên 29 tuổi này cho biết: “Điều quan trọng là phải biết khi nào testosterone của tôi đạt đỉnh, bởi những lúc như vậy, chúng ta sẽ cảm thấy tốt nhất và sẽ đạt hiệu suất cao nhất trong tập luyện.”
Phương pháp mà Caroline Jouisse áp dụng nằm trong chương trình Empow'her do Viện Thể thao Quốc gia Pháp (INSEP) triển khai năm 2020.
Trong bối cảnh các nghiên cứu ở lĩnh vực thể thao tập trung chủ yếu vào các vận động viên nam và ảnh hưởng của chu kỳ kinh nguyệt đến thành tích thể thao vẫn chưa được quan tâm thích đáng, chương trình Empow'her sẽ theo dõi và đúc rút kết luận từ chu kỳ kinh nguyệt của các nữ vận động viên.
Bác sỹ phụ khoa Carole Maitre của INSEP nhấn mạnh: “Không cần phải xấu hổ về chu kỳ của bạn - đó là một phần của hoạt động, giống như dinh dưỡng hoặc tập luyện.”
Jouisse hiện đang có 10 buổi bơi và ba buổi tập tạ mỗi tuần. Trong sáu tháng qua, các buổi tập của cô được phân tích hằng ngày. Dữ liệu về nội tiết tố, tim mạch và tâm lý của cô sau đó được so sánh với các giai đoạn khác nhau trong chu kỳ kinh nguyệt. Jouisse cho biết: “Trước khi tham gia chương trình, tôi không biết có những giai đoạn này.”
Trong khi đó, vận động viên trượt tuyết băng đồng người Pháp Juliette Ducordeau cho biết chương trình Empow'her đã giúp cô hiểu rõ hơn về cơ thể mình, cũng như xác định "xu hướng ấn tượng" trong thành tích thể thao cá nhân.
Vận động viên 25 tuổi rút ra kết luận: “Thời điểm tập luyện tối ưu của tôi là trong giai đoạn từ ngày đầu tiên đến ngày thứ 15 của chu kỳ. Mặc dù vậy, những ngày cuối trong giai đoạn này thường có vẻ vất vả hơn."
Hiện đã có 130 vận động viên nữ của Pháp đã tham gia chương trình Empow'her, với hy vọng giúp lấp đầy những khoảng trống đáng kể trong nghiên cứu khoa học về thể trạng nữ giới và thành tích thể thao.
Người đứng đầu chương trình Empow'her - bà Juliana Antero - cho biết chỉ có 9% số nghiên cứu khoa học thể thao được công bố trong 5 năm qua là về phụ nữ, trong khi đó 71% được thực hiện đối với nam giới.
Bà Antero nhận định: “Có rất ít nghiên cứu chất lượng cao, do đó hiện không có sự đồng thuận về tác động của chu kỳ kinh nguyệt đối với thành tích thể thao.
Mặc dù các triệu chứng - chẳng hạn như đau đầu và đau mỏi cơ thể - là tương đối giống nhau, nhưng cường độ và thời gian kéo dài của các triệu chứng có thể khác nhau đáng kể giữa các vận động viên."
Một nghiên cứu do các nhà khoa học tại Trường Đại học Queen Mary ở London (Anh) thực hiện năm 2021 cũng cho thấy khoảng 90% cầu thủ bóng đá của nước này bị mệt mỏi và mất sức trong kỳ kinh nguyệt.
Có tới 2/3 số người tham gia nghiên cứu khẳng định sự tự tin và sự tập trung của họ bị ảnh hưởng, trong khi 13% phải nghỉ tập luyện hoặc thi đấu trong thời kỳ kinh nguyệt.
Việc theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của các nữ vận động viên đã trở thành tiêu điểm chú ý vào năm 2019, khi đội tuyển bóng đá nữ Mỹ công nhận rằng việc lưu tâm đến chu kỳ kinh nguyệt khi luyện tập thể thao đã giúp họ có một chiến dịch World Cup thành công./.