Chương trình “Cảm ơn người lao động” tại Thành phố Hồ Chí Minh
Cán bộ, đoàn viên, người lao động tiêu biểu đại diện cho hơn 1,4 triệu đoàn viên Công đoàn thành phố đã gặp gỡ, trao đổi với Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh tại Chương trình “Cảm ơn người lao động.”
Chiều 11/5, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi có buổi gặp gỡ cán bộ, đoàn viên công đoàn và công nhân lao động tiêu biểu đại diện cho 1,4 triệu đoàn viên, người lao động Thành phố tại Chương trình “Cảm ơn người lao động,” do Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Đây là dịp công nhân lao động bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng với lãnh đạo Thành phố để xây dựng thêm các chế độ, chính sách liên quan đến việc làm, đời sống của công nhân viên chức lao động; đồng thời đề xuất, tham gia thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Chương trình “Cảm ơn người lao động”còn là dịp để tôn vinh những giá trị đóng góp tích cực của lực lượng cán bộ, đoàn viên, người lao động trong quá trình phát triển của Thành phố, đất nước.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi biểu dương các điển hình và tất cả người lao động trong suốt thời gian qua bằng sự nỗ lực lao động sáng tạo đã có những đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển Thành phố; nhất là khi vừa là đối tượng chịu tác động của COVID-19 nhưng cũng là lực lượng rất quan trọng trong phòng, chống dịch.
“Trong lúc khó khăn đó, lực lượng công nhân lao động đã đoàn kết cùng lãnh đạo Thành phố phòng, chống dịch và sau khi kiểm soát được dịch bệnh tiếp tục tham gia phục hồi phát triển kinh tế Thành phố. Điều này cho thấy người lao động cùng với nhân dân đã chung sức, đồng lòng cùng với lãnh đạo Thành phố vượt qua những khó khăn để tiếp tục đóng góp bằng sức lao động sáng tạo của mình trong xây dựng và phát triển Thành phố,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, lãnh đạo Thành phố luôn quan tâm tạo ra môi trường tốt để phát triển kinh tế-xã hội và từ đó công nhân, người lao động có cơ hội đóng góp. "Trách nhiệm của lãnh đạo Thành phố còn là duy trì các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để có thêm nhiều doanh nghiệp, nhiều cơ hội việc làm cho người lao động và người lao động đến từ các tỉnh trên cả nước," ông Phan Văn Mãi khẳng định.
Về vấn đề tiền lương công nhân lao động luôn được các cấp ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát, động viên các đơn vị, doanh nghiệp không chỉ thực hiện đúng mà còn thực hiện có trách nhiệm, đảm bảo các điều kiện phúc lợi chung; đồng thời tăng cường giám sát đảm bảo điều kiện làm việc, những thiết chế văn hóa dành cho công nhân lao động.
Vấn đề nhà ở xã hội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Phan Văn Mãi cho biết hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc về quy hoạch, đất đai, hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp, các yếu tố về giá, cơ hội người lao động mua nhà... Do vậy, Thành phố sẽ có những nhóm chính sách hỗ trợ chủ nhà trọ các thủ tục sửa chữa, xây dựng thành những khu nhà trọ khang trang, sạch đẹp, đảm bảo các yêu cầu tối thiểu, phòng cháy chữa cháy; chính sách hỗ trợ tiền điện, nước…
Thành phố hướng đến xây dựng nhà ở xã hội cho thuê với chi phí hợp lý, đảm bảo thu nhập của công nhân lao động. Dự báo đây là nhu cầu rất lớn và hiện Thành phố đang xúc tiến hoàn thành 26.200 căn nhà ở xã hội vào năm 2025 Thủ tướng Chính phủ đã giao…
Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ con em công nhân lao động đến trường; chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu, vị thành niên; chăm sóc sức khỏe cho người lao động, an toàn thực phẩm…
Theo Chủ tịch Thành phố Phan Văn Mãi, người lao động làm ra nhiều của cải vật chất thì cần phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động về môi trường, cuộc sống, các quyền lợi theo quy định pháp luật. Lãnh đạo Thành phố sẽ đẩy mạnh các chương trình bình ổn thị trường, chương trình hỗ trợ người lao động; trao tặng, miễn giảm học phí cho con công nhân lao động, phủ sóng vùng lõm, tăng cường các thiết chế văn hóa, đổi mới sáng tạo, hình thành những nếp sống mới, văn minh, hiện đại nghĩa tình…
Gặp gỡ lãnh đạo Thành phố, nhiều công nhân lao động cũng kiến nghị cần tạo điều kiện cho công nhân người lao động tiếp cận nguồn vốn và nguồn nhà ở xã hội, được gửi con đến trường trong nhiều độ tuổi khác nhau; hỗ trợ nâng cao thu nhập, nhất là theo Nghị quyết 98; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý Nhà nước; đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ môi trường tại huyện Cần Giờ….
Anh Trần Anh Kiệt, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hitachi Zosen Việt Nam, đề nghị lãnh đạo và các cấp ngành Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại; thường xuyên cập nhật và thông báo kịp thời cho doanh nghiệp các thông tin, quy định có liên quan trong và ngoài nước để doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, hiệu quả; từ đó tạo thêm nhiều việc làm ổn định cho người lao động.
Chị Lư Thị Thúy, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Nam Samho ở huyện Củ Chi, mong muốn Thành phố đẩy mạnh liên kết đào tạo nghề; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường chính sách thi tay nghề nâng bậc…
Nhiều công nhân cũng đề xuất Thành phố có nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động; nhà trẻ, mầm non với mức giá cho công nhân lao động thuê hoặc mua hợp lý…
Theo Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, Chương trình “Cảm ơn người lao động” là một trong những hoạt động của Tháng Công nhân năm 2024; đây còn là dịp để công nhân lao động Thành phố bày tỏ quyết tâm tiếp tục cống hiến đóng góp tích cực cho sự phát triển của thành phố và đất nước.../.