Chứng khoán ngày 8/3 giảm sâu: Cơ hội và thách thức với thị trường

VN-Index khép lại phiên 8/3 với mức giảm mạnh 21,11 điểm (tương đương 1,66%) xuống 1.247 điểm; dòng tiền dâng cao với thanh khoản khớp lệnh trên HOSE vượt 31.500 tỷ đồng.

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE). (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Áp lực chốt lời tăng mạnh cuối phiên khiến thị trường giảm sâu trong phiên giao dịch cuối tuần (8/3).

Giới phân tích cho rằng sau nhịp tăng điểm dài và trước diễn biến chưa rõ xu hướng sau khi tiếp cận lại vùng đỉnh cũ, tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn và dẫn đến áp lực chốt lời ngắn hạn.

Dù vậy, các chuyên gia nhìn nhận, chứng khoán vẫn là một trong những điểm đến tiềm năng của dòng tiền.

VN-Index khép lại phiên 8/3 với mức giảm mạnh 21,11 điểm (tương đương 1,66%) xuống 1.247 điểm. Dòng tiền dâng cao với thanh khoản khớp lệnh trên HOSE vượt 31.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khối ngoại đã tranh thủ phiện thị trường giảm mạnh để mua ròng 618 tỷ đồng. Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS), VN-Index chịu áp lực điều chỉnh ngay trong phiên giao dịch sáng ngày 8/3.

Thanh khoản bán chủ động gia tăng mạnh ở hầu hết các nhóm ngành khiến cho thị trường chìm trong sắc đỏ. Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh và chỉ còn duy nhất mã NAB ở chiều giá xanh đã gây áp lực giảm điểm lớn lên thị trường chung.

“Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy cũng đã xuất hiện khiến cho thanh khoản phiên cuối tuần bùng nổ,” VCBS thông tin.

Ngành ngân hàng có mức giảm mạnh nhất thị trường với mức giảm 2,34% chủ yếu đến từ mã VCB giảm 0,73%, BID giảm 4,13% và CTG giảm 3,63%.

Tiếp đến là nhóm thực phẩm-đồ uống và ngành bán lẻ với mức giảm lần lượt là 1,96% và 1,85%.Ở chiều ngược lại, ngành sản phẩm cao su là ngành có sự phục hồi mạnh nhất với 3,98% chủ yếu đến từ các mã DRC tăng 5,7%, CSM tăng 1,55% và SRC tăng 0,68%.

Trong tuần vừa qua, thị trường liên tục giao dịch trong biên độ 10 điểm và lực cầu chủ động chưa đủ mạnh mẽ để giúp cho VN-Index bứt phá dứt khoát qua vùng điểm 1.250 điểm.

Lý giải về phiên giảm điểm hôm nay, VCBS cho biết sau nhịp tăng điểm dài và trước diễn biến chưa rõ xu hướng sau khi tiếp cận lại vùng đỉnh cũ, tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn và dẫn đến áp lực chốt lời ngắn hạn.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS) vẫn có góc nhìn tích cực cho thị trường chứng khoán năm nay trong bối cảnh tín dụng giảm. Các ngân hàng thương mại liên tục giảm lãi suất huy động làm cho mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm xuống.

Điều này sẽ thúc đẩy dòng tiền gửi tiết kiệm dịch chuyển sang kênh đầu tư có tỷ suất sinh lợi cao hơn. Thanh khoản và điểm số của thị trường chứng khoán đã cải thiện đáng kể ở những ngày sau Tết.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất thấp cũng giúp các công ty chứng khoán tích cực tăng vốn để thúc đẩy cho vay ký quỹ (Margin). Điều này không chỉ giúp cải thiện thanh khoản mà số lượng tài khoản mở mới của các nhà đầu tư cũng tăng lên.

Theo Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng trở lại trong 3 tháng liên tiếp vừa qua.

Tính đến cuối tháng 2/2024, Việt Nam có gần 7,5 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân, tương đương khoảng 7,5% dân số. Bên cạnh đó, tổng giá trị giao dịch 2 tháng đầu năm 2024 ghi nhận 264.360 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ; trong đó, giá trị giao dịch khớp lệnh ghi nhận 237.560 tỷ đồng, tăng gần 82% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán cũng có những khó khăn phải đối diện. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS), khó khăn tiếp tục bủa vây nền kinh tế toàn cầu.

Một số tổ chức quốc tế lớn đã cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu có phần tích cực hơn đối với năm 2023 cho thấy sức chống chọi của các nền kinh tế đang tích cực hơn kỳ vọng.

Tuy nhiên trong khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P) giữ nguyên dự báo cho năm 2024 thì Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lại hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2024 xuống 0,1% so với báo cáo hồi tháng 7 năm 2023.

Như vậy các dự báo đều đang cho thấy nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục suy yếu trong năm 2024, với phần lớn các nền kinh tế lớn bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đều sẽ giảm mức độ tăng trưởng so với năm 2023, điểm sáng đến từ khu vực châu Âu nhưng mức độ hồi phục còn hạn chế.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức đã hạ dự báo tăng trưởng đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, cụ thể IMF dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc đạt 4,2% vào năm 2024 (giảm 0,3% so với báo cáo trước đó và thấp hơn nhiều so với trung bình tăng trưởng 6,8%/năm giai đoạn 2013-2019); trong đó, ngoại trừ khu vực chi tiêu chính phủ khi nước này đang có hàng loạt các chính sách hỗ trợ nền kinh tế thì các khu vực quan trọng còn lại bao gồm đầu tư và tiêu dùng hộ gia đình vẫn đang diễn biến ảm đạm và yếu ớt.

Đặc biệt là thị trường bất động sản vốn được coi là “xương sống” của nền kinh tế Trung Quốc (khoảng 30% cơ cấu GDP) đang chứng kiến cuộc khủng hoảng kéo dài bất chấp các chính sách hỗ trợ thị trường này nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, VFS cho rằng xét về mặt tích cực, chứng khoán vẫn là một trong những điểm đến tiềm năng của dòng tiền. Thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư an toàn về tính pháp lý và đang được phát triển để nâng hạng lên thị trường mới nổi.

“Kỳ vọng quy mô vốn hóa thị trường sẽ đạt 100% GDP vào năm 2025 khiến cho đây vẫn là điểm đến lý tưởng của dòng tiền. Điều này thúc đẩy dòng tiền đầu cơ và đầu tư của thị trường, giúp thị trường nâng cao thanh khoản,” các chuyên gia từ VFS nhận định.

Theo VFS, trong năm 2024, Việt Nam được kỳ vọng có lợi thế mạnh hơn. Với vĩ mô ổn định, tỷ giá không còn căng thẳng và hiệu suất đầu tư tốt hơn so với các nước trong khu vực, dòng tiền khối ngoại được kỳ vọng sẽ quay trở lại sớm.

Lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp là động lực cho dòng tiền chứng khoán. Dòng tiền tiết kiệm sẽ có xu hướng đổ một phần vào thị trường chứng khoán với kỳ vọng tỷ suất sinh lời cao hơn ngân hàng nhưng vẫn an toàn về mặt pháp lý và tính thanh khoản cao.

Lãi suất thấp cũng ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lời kỳ vọng của nhà đầu tư về doanh nghiệp. Nhà đầu tư sẽ có xu hướng “dễ tính hơn” trong việc lựa chọn cổ phiếu trong hoạt động đầu cơ và đầu tư.

Hệ thống giao dịch mới KRX được kỳ vọng sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam nâng cao năng lực với thanh khoản cao hơn. Cụ thể là sẽ giúp thanh khoản tăng cao; giảm thời gian thanh toán từ T+2,5 hiện nay sang T+0, qua đó thúc đẩy tỷ lệ quay vòng vốn.

Đặc biệt, hệ thống KRX giúp giải quyết các vấn đề cần thiết để được nâng cấp lên thị trường mới nổi, chuyên gia từ VFS nhận định./.