Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm, chúc mừng Báo Đại biểu Nhân dân

Chủ tịch Quốc hội mong muốn Báo Đại biểu nhân dân phải là một trong những cơ quan báo chí đi đầu về chuyển đổi số, mục tiêu phát triển là trở thành cơ quan báo chí đa nền tảng, đa phương tiện...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ xem các ấn phẩm của Báo Đại biểu Nhân dân. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 21/6, tại Trụ sở Báo Đại biểu nhân dân (Hà Nội), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022), hướng tới Kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Báo Đại biểu nhân dân (5/10/1988-5/10/2023).

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lời chúc mừng tốt đẹp và những tình cảm thân thiết nhất đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, người lao động Báo Đại biểu nhân dân và các cơ quan báo chí của Quốc hội; gửi lời thăm hỏi ân cần tới các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã từng làm việc, cống hiến cho sự nghiệp báo chí của Quốc hội nói chung, của Báo Đại biểu nhân dân nói riêng.

Đúng ngày này 97 năm về trước (ngày 21/6/1925), nhằm tập hợp lực lượng, xây dựng tổ chức, tuyên truyền đấu tranh cách mạng, tại trụ sở “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập và trực tiếp lãnh đạo báo Thanh Niên, đặt nền móng đầu tiên cho báo chí cách mạng nước nhà từ đó về sau này.

Trong chặng đường 97 năm vẻ vang đó, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đặc biệt, trong một số giai đoạn cách mạng, nhiều nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã trực tiếp làm Chủ bút hoặc Tổng Biên tập một số cơ quan báo chí như: Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và làm Chủ bút các tờ Người cùng khổ, Thanh niên và Tạp chí Đỏ - tiền thân của Tạp Cộng sản hiện nay; Tổng Bí thư Lê Hồng Phong làm Tổng Biên tập Tạp chí Bôn-sơ-vich những năm 1934; Tổng Bí thư Hà Huy Tập làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản năm 1935, chỉ đạo các báo Tiền phong (1937), Dân chúng (1938) của Đảng dưới danh nghĩa “Cơ quan Lao động và Dân chúng” ở Nam Kỳ; Tổng Bí thư Trường Chinh làm Chủ bút tờ Cờ giải phóng, Sự thật, Nhân dân, Chủ nhiệm Tạp chí Tạp chí Cộng sản; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản (1991-1996)...

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, thời gian gần đây, cử tri và nhân dân cả nước tiếp tục ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Quốc hội Việt Nam có nhiều đổi mới tích cực, công khai, trách nhiệm, minh bạch, gần dân, kế thừa và phát huy hiệu quả những thành quả của Quốc hội qua các nhiệm kỳ. Trong nỗ lực và kết quả đó, có sự đóng góp quan trọng của các cơ quan thông tấn, báo chí, trong đó có hai cơ quan báo chí của Quốc hội là Báo Đại biểu nhân dân và Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

[Tiếp tục phấn đấu, phát triển xứng tầm cơ quan Thông tấn của Nhà nước]

Báo Đại biểu nhân dân đã cùng các cơ quan báo chí cả nước thực sự là cầu nối tin cậy giữa Quốc hội với cử tri và nhân dân, là phương thức truyền tải những chủ trương, đường lối của Đảng được Quốc hội thể chế hóa cũng như lan tỏa các thông điệp quan trọng, những nội dung Quốc hội xem xét, quyết định đến với cử tri và nhân dân. Đồng thời, phản ánh trung thực “hơi thở của cuộc sống” tại diễn đàn Quốc hội và là kênh để cử tri, nhân dân giám sát hoạt động của Quốc hội nói riêng, của các cơ quan nhà nước nói chung.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển của Báo Đại biểu nhân dân. Bên cạnh việc ngày càng ghi dấu ấn, bản sắc riêng trong công tác thông tin, tuyên truyền, Báo đã và đang đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền trên các nền tảng số như: mạng xã hội facebook, tik tok, zalo, viber... đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng của bạn đọc, góp phần lan tỏa hơn nữa hoạt động của Quốc hội tới cử tri và nhân dân cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng lẵng hoa chúc mừng Báo Đại biểu Nhân dân. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chúc mừng và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, kết quả mà Báo Đại biểu nhân dân đạt được trong thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Báo Đại biểu nhân dân thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, Báo Đại biểu nhân dân tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác báo chí; quy hoạch phát triển, quản lý phù hợp, tạo sự thống nhất cao trong từng bước thực hiện. Mọi hoạt động đều phải bảo đảm đúng định hướng, sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, quy định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác truyền thông.

Báo phải tiếp tục phản ánh sâu sắc thực tiễn sinh động đến các đại biểu Quốc hội để qua đó mang hơi thở cuộc sống vào nghị trường; đồng thời phải là kênh thông tin đắc lực đưa các chính sách, pháp luật, quyết sách của Quốc hội vào từng lĩnh vực của cuộc sống.

Đảng đoàn Quốc hội đã xây dựng Chương trình hành động của cả nhiệm kỳ với 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 107 nội dung, đề án cụ thể trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đối ngoại và đổi mới phương thức hoạt động.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Báo Đại biểu nhân dân bám sát Chương trình hành động này, đóng góp xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Chiến lược truyền thông chuyên nghiệp, thống nhất về hoạt động của Quốc hội khóa XV.”

Bản thân sự đổi mới của Quốc hội đòi hỏi các cơ quan báo chí của Quốc hội phải đổi mới, nhưng mặt khác, các cơ quan báo chí của Quốc hội cũng phải đóng góp, thúc đẩy sự đổi mới của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn Báo Đại biểu nhân dân phải là một trong những cơ quan báo chí đi đầu về chuyển đổi số, mục tiêu phát triển là trở thành cơ quan báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, đa phương thức, phát triển các nền tảng báo chí số, nền tảng phân phối nội dung số, làm chủ việc phân phối nội dung số trên không gian mạng.

Báo tiếp tục đổi mới cách thức truyền tải thông tin, đổi mới theo hướng ngày càng chuyên sâu, chuyên nghiệp và hiện đại; đội ngũ phóng viên, biên tập viên, những người làm báo thật sự nhạy bén về chính trị, bồi đắp nền tảng tri thức sâu rộng, tâm huyết, say nghề, đặc biệt có hiểu biết toàn diện, sâu sắc về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động Quốc hội; phấn đấu xây dựng “Tờ báo 5T,” tức là Báo Đại biểu nhân dân phải có: Tư duy-Tầm nhìn-Trung thực-Trong sạch-Tinh tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ giao nhiệm vụ cho Báo Đại biểu nhân dân tiếp tục nghiên cứu, làm rõ ý nghĩa, nội hàm của 4 vấn đề: là Tiếng nói của Quốc hội, Diễn đàn của đại biểu Quốc hội, Diễn đàn của Hội đồng nhân dân, Diễn đàn của cử tri. Từ đó, phải luận cho rõ để rà soát lại, xây dựng, hoàn thiện tầm nhìn, sứ mệnh, xác định rõ giá trị cốt lõi của Báo Đại biểu nhân dân, xây dựng thương hiệu Báo Đại biểu nhân dân...

Tổng biên tập Báo Đại biểu nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Lãnh đạo Quốc hội; đồng thời khẳng định, Báo Đại biểu nhân dân sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; đưa thông tin về Quốc hội đến với nhân dân, đưa tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề nhân dân quan tâm đến Quốc hội, góp phần xây dựng Quốc hội Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, luôn đặt nhân dân ở vị trí trung tâm của mọi quyết sách./.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với phóng viên, biên tập viên Báo Đại biểu Nhân dân. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

P.V (TTXVN/Vietnam+)