Chủ tịch Quốc hội: Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục trao đổi đoàn; tăng cường giao lưu nghị sỹ, nhất là nghị sỹ trẻ và nữ nghị sỹ; thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm lập pháp giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Quang cảnh buổi tiếp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 1/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp ông Tokai Kisaburo, Hạ Nghị sỹ, Trưởng Ban Nghiên cứu chính sách Đảng Dân chủ Tự do (LDP) Nhật Bản.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội gửi lời cảm ơn chân thành tới Thủ tướng Kishida Fumio, Chủ tịch Hạ viện Nukaga Fukushiro, Chủ tịch Thượng viện Otsuji Hidehisa và các nghị sỹ Quốc hội Nhật Bản đã gửi điện chia buồn về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; cảm ơn nguyên Thủ tướng Suga Yoshihide, Cố vấn cao nhất của Liên minh Nghị sỹ Hữu nghị Nhật-Việt, với tư cách là Đặc phái viên của Thủ tướng Kishida, đã dẫn đầu đoàn đại biểu Nhật Bản dự tang lễ.

Đây là nghĩa cử thể hiện tình cảm, sự coi trọng của Chính phủ, Thủ tướng và nhân dân Nhật Bản đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Nhật Bản.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp ông Tokai Kisaburo, Hạ Nghị sỹ, Trưởng Ban Nghiên cứu chính sách Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội đánh giá quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất. Tin cậy chính trị tiếp tục được củng cố; giao lưu, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp diễn ra thường xuyên. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả; hợp tác lao động, giáo dục-đào tạo ngày càng chặt chẽ. Hợp tác giữa các địa phương, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân ngày càng mật thiết.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao vai trò quan trọng của ông Tokai, cũng như Ban Nghiên cứu chính sách của Đảng LDP trong việc hoạch định các chính sách kinh tế-xã hội quan trọng, trong đó có gần 70 dự thảo luật đã được thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 213 của Quốc hội Nhật Bản vừa qua trên các lĩnh vực thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt là thiết lập mới chế độ "đào tạo-làm việc," cải thiện chế độ cho người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản, chính sách hỗ trợ người dân...

Để thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Nhật Bản tiếp tục phát triển thực chất, hiệu quả hơn nữa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; tăng cường giao lưu nghị sỹ, nhất là nghị sỹ trẻ và nữ nghị sỹ; thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm lập pháp giữa hai nước.

Về hợp tác kinh tế, Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, độc lập, tự chủ về kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy giải quyết các vướng mắc trong hợp tác ODA, FDI giữa hai nước.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn ông Tokai ủng hộ, thúc đẩy Chính phủ Nhật Bản cung cấp ODA thế hệ mới cho Việt Nam với tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt, tập trung vào các dự án phát triển hạ tầng chiến lược quy mô lớn như đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao; thúc đẩy đầu tư, chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp Nhật Bản, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu của các đối tác Nhật Bản; xem xét mở cửa thị trường đối với hoa quả của Việt Nam...

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác địa phương, du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai nước; mong muốn ông Tokai ủng hộ, thúc đẩy Chính phủ Nhật Bản đơn giản hóa thủ tục, hướng tới miễn visa cho người Việt Nam nhập cảnh Nhật Bản để tạo thuận lợi cho giao lưu nhân dân.

Về giáo dục, đào tạo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo cán bộ, lãnh đạo cấp chiến lược; tăng cường hợp tác trao đổi học sinh, sinh viên hai nước thông qua tăng số lượng các suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Nhật Bản, triển khai hiệu quả, thực chất Chương trình NEXUS (chương trình giao lưu nghiên cứu, trao đổi du học sinh dựa trên kết quả Tuyên bố chung Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Nhật Bản năm 2023).

Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện có gần 600.000 người, là cộng đồng người Việt Nam lớn thứ 2 trên thế giới, trong đó phần lớn là du học sinh và người lao động; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Nhật Bản và là cầu nối quan trọng của quan hệ hai nước.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Nhật Bản có chế độ ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam yên tâm học tập, làm việc tại Nhật Bản.

Về hợp tác trên một số lĩnh vực mới, hai nước cần quan tâm, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, tiếp tục thúc đẩy có thêm các chương trình hợp tác, dự án mới trong khuôn khổ Sáng kiến Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á (AZEC); hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn đến năm 2030.

Đồng thời, hai bên tăng cường phối hợp, chia sẻ lập trường, hợp tác trên các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Trưởng Ban Nghiên cứu chính sách Đảng Dân chủ Tự do (LDP) Nhật Bản Tokai Kisaburo gửi lời chia buồn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; đồng thời cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Quốc hội Việt Nam, tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa, quan hệ giữa Quốc hội hai nước tiếp tục được củng cố, tăng cường.

Ông Tokai Kisaburo, Hạ Nghị sỹ, Trưởng Ban Nghiên cứu chính sách Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Theo ông Tokai, chuyến thăm Việt Nam lần này có ý nghĩa quan trọng khi năm 2023, hai nước kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản. Tháng 11/2023, hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới. Mục đích chuyến thăm nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ; đổi mới sáng tạo…

Trưởng Ban Nghiên cứu chính sách Đảng LDP Nhật Bản Tokai Kisaburo nhất trí với các đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trong việc tăng cường quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là hợp tác giao lưu nguồn nhân lực nhất là nghị sỹ trẻ và nữ nghị sỹ; mong muốn Quốc hội Việt Nam tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các công ty Nhật Bản đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam./.