Chủ tịch Quốc hội dự Lễ công bố huyện Nghi Lộc đạt chuẩn nông thôn mới
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nghi Lộc Nguyễn Tiến Dũng cũng cho biết phong trào xây dựng nông thôn mới được khơi dậy rộng khắp, triển khai mạnh mẽ và đạt được kết quả toàn diện.
Chiều 30/4, tại thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An và huyện Nghi Lộc, Nghệ An, diễn ra Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Xí, Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia địa điểm Cầu Cấm và công bố huyện Nghi Lộc đạt chuẩn nông thôn mới.
Đến dự có ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Nghệ An.
Tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nghi Lộc Nguyễn Tiến Dũng cho biết Nghi Lộc vùng đất địa linh nhân kiệt, có vị trí địa lý, địa hình thuận lợi trong phát triển kinh tế và phòng thủ bảo vệ Tổ quốc. Trong hơn 600 năm hình thành và phát triển, vùng đất Nghi Lộc trở thành phên dậu, tuyến phòng thủ, căn cứ địa của nhiều danh tướng các triều đại Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, đến Quang Trung-Nguyễn Huệ và phong trào Cần Vương, nhiều nơi trên đất Nghi Lộc là nơi tụ quân của các chí sỹ yêu nước.
Nghi Lộc tự hào là quê hương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Lịch sử đã chứng kiến lớp lớp thế hệ những người con ưu tú hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc, xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu làm rạng danh quê hương, đất nước, trong đó rạng ngời tên tuổi và sự nghiệp của Danh tướng-Danh thần Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân Nghi Lộc đoàn kết, dũng cảm, sáng tạo, vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, động viên mọi nguồn lực tham gia chiến đấu và ghi dấu nhiều chiến công bi hùng, nổi bật là địa điểm lịch sử Cầu Cấm.
[Năm 2022, cả nước phấn đấu có trên 73% xã đạt chuẩn nông thôn mới]
Cầu Cấm được xây dựng bắc qua sông Cấm thuộc địa bàn hai xã Nghi Yên và Nghi Quang, là nút thắt ba huyết mạch giao thông quan trọng trên tuyến đường bộ, đường sắt và đường thủy. Cầu Cấm thường được ví là túi đựng bom đạn Mỹ. Kể từ ngày 25/3/1965 đế quốc Mỹ trút hàng vạn tấn bom đạn bằng máy bay và tàu chiến nhằm cắt đứt sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam.
Nơi đây đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, chứng kiến sự chiến đấu ngoan cường của Tổng cục đường sắt, Tiểu đoàn 16, Tổng đội xung phong Nghệ An… Đã xuất hiện nhiều chiến tích kỳ diệu mang tính huyền thoại, như đơn vị thanh niên xung phong 324 với chiến công bắt sống giặc lái Mỹ, Tiểu đội cọc tiêu sống và đại đội Thanh niên xung phong 333 được Bác Hồ gửi thư khen tặng.
172 chiến sỹ bộ đội thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã anh dũng hy sinh, đặc biệt sự kiện bi tráng ngày 5/2/1967, 15 chiến sỹ thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh trong cùng một khoảng khắc. Máu của các anh, các chị đã hòa với dòng sông Cấm linh thiêng, tạo nên một tọa độ lửa Anh hùng “Cầu Cấm bản hùng ca,” biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nghi Lộc Nguyễn Tiến Dũng cũng cho biết phong trào xây dựng nông thôn mới được khơi dậy rộng khắp, triển khai mạnh mẽ và đạt được kết quả toàn diện. Đến nay toàn huyện có 28/28 xã được công nhận chuẩn nông thôn mới và thị trấn Quán Hành được công nhân đô thị văn minh. Với những quả đạt được về kinh tế, xã hội trong những năm qua, ngày 18/11/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1940/QĐ-TTg công nhận huyện Nghi Lộc đạt huyện nông thôn mới năm 2020.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, Nghi Lộc tự hào là vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày truyền thống, văn hóa khoa bảng, quê hương của nhiều Anh hùng hào kiệt, chí sỹ yêu nước, các vị cách mạng tiền bối của Đảng.
Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển vùng đất này luôn là địa bàn chiến lược trọng yếu, nhân dân vốn tính cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Dấu tích lịch sử văn hóa còn in đậm trên vùng đất linh thiêng này, ghi dấu chặng đường hình thành và phát triển đặc điểm văn hóa, cư dân nơi đây.
Đến nay, toàn huyện có 32/240 di tích đã được xếp hạng, trong đó có Đền thờ và Lăng mộ Nguyễn Xí là nơi thờ Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí bậc khai quốc công thần thời Hậu Lê, là người có công lao lớn trong phong trào giải phóng dân tộc và công cuộc kiến thiết phát triển đất nước ở buổi đầu của thời đại Lê xưa.
Nghi Lộc còn có di tích lịch sử Cầu Cấm, là nơi diễn ra những trận chiến ác liệt, là trọng điểm bắn phá ác liệt của đế quốc Mỹ nhằm cắt đứt sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam.
Với ý nghĩa lịch sử đó năm 2020, Đền thờ và Lăng mộ Nguyễn Xí được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, là di tích Quốc gia đặc biệt duy nhất trên địa bàn huyện và là di tích Quốc gia đặc biệt thứ 5 trên địa bàn tỉnh; địa điểm lịch sử Cầu Cấm được Bộ Văn hóa và Thể thao, Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây thực sự là những địa chỉ đỏ, góp phần tô thắm thêm trang sử hào hùng cho quê hương xứ Nghệ nói chung, huyện Nghi Lộc nói riêng.
Chúc mừng, ghi nhận và biểu dương những thành tích, kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghi Lộc đã nỗ lực, phấn đấu và đạt được trong thời gian qua, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho rằng để tiếp tục phát triển, phát huy truyền thống và thành quả đã đạt được, trong thời gian tới cùng với mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, Đảng bộ và nhân dân huyện Nghi Lộc cần bám sát định hướng và quy hoạch của tỉnh, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, tiếp tục phát huy lợi thế vùng phụ cận, các khu công nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo bước chuyển dịch quan trọng trong cơ cấu kinh tế.
Chú trọng công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao; thúc đẩy phát triển dịch vụ, thương mại, tạo ra sản phẩm mới, hữu ích, bổ sung hợp lý cho sự phát triển không gian đô thị từ Thành phố Vinh và Thị xã Cửa Lò.
Đầu tư và phát triển nông nghiệp truyền thống gắn với nâng cao đời sống nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm chỉ đạo phát triển nông nghiệp bền vững, phát triển nông nghiệp xanh gắn với công nghệ cao; tiếp tục huy động các nguồn lực, tăng cường xã hội hóa về trung tu, tôn tạo các di tích, cán bộ, đảng viên và mỗi người dân tiếp tục nâng cao ý thức, phát huy tốt giá trị di sản, bảo tồn cảnh quan, không gian truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc, nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Nghệ An, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Phát huy và thực hiện tốt dân chủ cơ sở, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân chủ động, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, đảm bảo lợi ích và giải quyết tốt các vấn đề phát sinh trong nhân dân, phấn đấu sớm đạt huyện nông thôn mới nâng cao…/.