Chủ nhà trọ phải hoàn thành giải pháp phòng, chống cháy nổ trước ngày 30/3/2025
Hà Nội yêu cầu các chủ nhà trọ phải cam kết hoàn thành thực hiện các giải pháp phòng chống cháy nổ trước ngày 30/3/2025, nếu sau thời gian này vẫn không thực hiện sẽ phải dừng hoạt động.
Thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch, đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Ủy ban Nhân dân thành phố giao Công an Hà Nội là cơ quan Thường trực, tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đối với các quy định và chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến thành phố.
Công an Hà Nội phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành tài liệu hướng dẫn giải pháp cấp thiết tăng cường điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, hoàn thành xong trước 30/7/2024.
Công an Hà Nội chỉ đạo tổ chức rà soát, kiểm tra, phân loại, hướng dẫn các giải pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ); yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình phải cam kết, có lộ trình thực hiện các giải pháp tăng cường phòng cháy, chữa cháy do Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành và phải hoàn thành thực hiện các giải pháp trước ngày 30/3/2025.
Sau thời gian trên, nếu các cơ sở không thực hiện cam kết sẽ phải dừng hoạt động cho đến khi thực hiện xong.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu Công an Hà Nội xử lý nghiêm các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy, chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực (4/10/2001) theo Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân thành phố và Kế hoạch số 273/KH-UBND ngày 22/10/2022 của Ủy ban Nhân dân thành phố; khắc phục và xử lý dứt điểm toàn bộ các công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu đã đưa vào sử dụng, không để phát sinh các công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đưa vào sử dụng.
Đối những vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra trên địa bàn, Công an Hà Nội tổ chức điều tra nguyên nhân các vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; tham mưu xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn, để xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ…
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các ngành, các cấp, đơn vị, địa phương phân công, xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai các nhiệm vụ được giao; chủ động, quyết liệt phòng ngừa, ngăn chặn cháy, nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Các đơn vị liên quan kịp thời hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, phát sinh, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong quá trình thực hiện. Thủ trưởng các đơn vị thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc triển khai thực hiện phòng cháy.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở phải vào cuộc, đồng hành cùng lực lượng Công an trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quản lý; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý (kể cả xem xét trách nhiệm hình sự) đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở để xảy ra sai phạm hoặc buông lỏng quản lý trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Thành phố sẽ tập trung rà soát, đề xuất các cấp, ngành sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ).
Trước mắt, cần tham mưu cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ những quy định bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, gây cản trở, khó khăn trong công tác phòng cháy, chữa cháy cũng như khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong các quy định về quản lý nhà nước đối với loại hình này.
Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục xây dựng, thực hiện một cách đồng bộ quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy gắn với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; xây dựng mạng lưới giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Cùng với việc tăng cường tuyên truyền, thành phố chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời sơ hở, bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm phòng ngừa, ngăn chặn triệt để các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến cháy, nổ đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Hà Nội sẽ ban hành và triển khai Đề án tổng thể về nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025 định hướng năm 2030./.