Chính sách ứng phó phù hợp khi chấm dứt tình trạng khẩn cấp COVID-19

Dịch COVID-19 trên thế giới đã giảm và nguy cơ lây lan mạnh ở Việt Nam cũng không cao, do đó cần suy nghĩ đến việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp và loại COVID-19 ra khỏi nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Khu vực cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Mặc dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp của COVID-19, các chuyên gia y tế cho rằng vẫn phải có chính sách ứng phó phù hợp nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng của COVID-19 lên sức khỏe con người.

COVID-19 không còn quá nguy hiểm

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, trong những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày trên địa bàn Thành phố ghi nhận từ 100-200 ca mắc COVID-19 mới.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định hiện đang có sự gia tăng trở lại số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.

Tuy nhiên, đa số các ca mắc mới có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, không gây nhiều áp lực cho hệ thống y tế.

[WHO đề nghị Việt Nam lập kế hoạch phòng ngừa lâu dài với COVID-19]

Tuy cũng có những trường hợp bệnh nặng, tử vong nhưng chủ yếu nằm trong nhóm có nguy cơ cao, đó là những người cao tuổi, mắc cùng lúc nhiều bệnh lý nền nguy hiểm.

Nhận định về tình hình dịch bệnh, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng dịch COVID-19 trên thế giới đã giảm và nguy cơ dịch lây lan mạnh ở Việt Nam cũng không cao, do đó cần suy nghĩ đến việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp và loại COVID-19 ra khỏi nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Mặc dù hiện nay vẫn còn một "làn sóng" dịch nhỏ nhưng không quá nghiêm trọng. Song, theo chuyên gia này, việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp không nên thực hiện ngay mà cần chờ một vài tháng để những người dân chưa tiêm đủ vaccine có thể trang bị thêm các mũi vaccine cần thiết.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Bác sỹ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá COVID- 19 không còn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu là một xu thế tất yếu.

Theo bác sỹ Khanh, SARS-CoV-2 là loại virus loài vật gây nguy hiểm cho sức khỏe con người trong thời gian đầu mới xuất hiện.

Tuy nhiên, theo thời gian, virus này đã biến đổi thành virus gây cảm lạnh nhẹ, hay nói cách khác nó đã “thuần” hơn với con người. Dù nó không bao giờ biến mất nhưng chắc chắn không gây nên gánh nặng y tế.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế, cho rằng tuy chấm dứt tình trạng khẩn cấp, nhưng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đánh giá COVID-19 sẽ hiện diện kéo dài, do đó việc sẵn sàng một kế hoạch quản lý, kiểm soát và phòng ngừa như các bệnh truyền nhiễm lưu hành khác là rất cần thiết.

Trong thời gian tới, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chủ động có kế hoạch quản lý, kiểm soát và phòng ngừa COVID-19 như các bệnh truyền nhiễm khác ngay khi Bộ Y tế đưa dịch bệnh này ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Vẫn phải bảo vệ người nguy cơ

Phân tích từ các ca nhập viện trên địa bàn, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thông tin 86% bệnh nhân COVID-19 đang điều trị ở bệnh viện có bệnh nền và khoảng 30% bệnh nhân chưa tiêm phòng vaccine.

Do đó, chiến lược bảo vệ nhóm người nguy cơ vẫn được ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm triển khai, trong đó chú trọng tạo điều kiện tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm người này.

Nhóm người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch có nguy cơ tăng nặng hơn khi mắc COVID-19. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Bác sỹ Nguyễn Duy Cường, Phó Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh, nhìn nhận Việt Nam đang trong thời kỳ già hóa dân số, số người cao tuổi sẽ tiếp tục gia tăng, người cao tuổi thường đi kèm với các bệnh lý nền.

Những người cao tuổi mắc đa bệnh lý, người suy giảm miễn dịch khi mắc COVID-19 sẽ tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường. Trong đó, hệ miễn dịch suy giảm sẽ làm bùng lên các đợt cấp của các bệnh lý mạn tính như COP, hen, tim mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não...

Tình trạng này có thể chuyển biến nặng và có nguy cơ tử vong. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo vệ người nguy cơ là việc nên làm nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19.

Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, thay vì dồn quá nhiều kinh phí, nhân lực để chống COVID-19 thì nên ứng xử với nó như các bệnh lý truyền nhiễm khác, nghĩa là chỉ nên tập trung bảo vệ người nguy cơ, cùng với đó là tuyên truyền thay đổi ý thức của người dân về các phương thức tự phòng bệnh, phòng ngừa lây lan cho người khác như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi mắc bệnh.

“Hiện nay chúng ta không nên bắt buộc người dân phải sử dụng các biện pháp phòng COVID-19 như ở thời điểm dịch bệnh này đang căng thẳng mà cần tuyên truyền nâng cao ý thức để họ tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng bằng các biện pháp phù hợp. Việc tiêm vaccine cũng nên khuyến cáo đối với những người có nguy cơ,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Dũng nêu quan điểm.

Theo chuyên gia này, ngành y tế cần chuẩn bị sẵn nguồn vaccine, thuốc men, trang thiết bị y tế để sẵn sàng tiếp nhận điều trị kịp thời cho người dân.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, ngành y tế nên có các biện pháp dài hạn ứng phó với COVID-19 theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới như lồng ghép tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 vào chương trình tiêm chủng, chuẩn bị cho biện pháp y tế đảm bảo nguồn cung sẵn có và lâu dài, quản lý dịch tễ linh hoạt và toàn diện, hỗ trợ nghiên cứu cải tiến các loại vaccine phòng bệnh./.

Đinh Hằng (TTXVN/Vietnam+)