Chính sách của các ngân hàng trung ương trên thế giới đang phân kỳ
Thế giới đang cho thấy động lực chính sách tiền tệ có những khác biệt ở các nước, ngược lại với phản ứng gần như là đồng bộ của các ngân hàng trung ương trước đó.
Trong một tuần diễn ra các cuộc họp của gần một nửa số ngân hàng trung ương trên thế giới, các nhà đầu tư có thể quan tâm hơn cả đến cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên quan đến kế hoạch hạ lãi suất của ngân hàng này và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) để nhận định liệu ngân hàng này đã tiến gần đến đâu trong việc dừng chính sách lãi suất âm.
Tuần này sẽ tập trung nhiều quyết định chính sách nhất của các ngân hàng trung ương kể từ đầu năm nay, với việc điều chỉnh lãi suất cho vay bằng 6 trong số 10 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất.
Những quyết định tập thể có thể cho thấy quan điểm của các quan chức tiền tệ đang có những khác biệt đáng kể. Điều đó cho thấy cú sốc về giá tiêu dùng trên toàn cầu hậu đại dịch đã trở nên bất cân xứng, khi một số nền kinh tế đối mặt với sức ép giá cả trong nước gay gắt hơn các nền kinh tế khác.
Thế giới đang cho thấy động lực chính sách tiền tệ có những khác biệt ở các nước, ngược lại với phản ứng gần như là đồng bộ của các ngân hàng trung ương trước đó.
Đáng chú ý nhất sẽ là quyết định của Fed vào ngày 20/3 về việc liệu số liệu kinh tế vẫn mạnh có là lý do để lùi kế hoạch hạ lãi suất hay không và liệu triển vọng hạ lãi suất ba lần trong năm nay có thay đổi hay không.
Fed được cho là sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp thứ năm liên tiếp và tiếp tục dự báo ba lần hạ 25 điểm cơ bản trong năm 2024, dù lạm phát vẫn cao trong hai tháng qua.Sau khi tăng lãi suất hơn 5 điểm phần trăm kể từ tháng 3/2022, Fed đã giữ nguyên lãi suất ở mức cao kỷ lục hai thập kỷ kể từ tháng 7/2023.
Khi tăng trưởng việc làm mạnh và giá tăng trong hai tháng 1 và 2/2024, các quan chức Fed nhấn mạnh lại rằng họ không vội trong việc hạ lãi suất. Hầu hết các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg News nhận định Fed sẽ hạ lãi suất ba lần trong năm nay, với lần đầu tiên sẽ là vào tháng 6/2024.
Trong khi đó, quyết định chính sách của BoJ vào ngày 19/3 cũng có ý nghĩa then chốt. Khả năng ngân hàng này cuối cùng sẽ tiến tới tăng lãi suất và chấm dứt giai đoạn lạm phát thấp kéo dài cho thấy sự điều chỉnh lớn ở một thành viên chủ chốt khác của hệ thống tài chính toàn cầu.
Quyết định của BoJ tại cuộc họp lần này sẽ một trong những điều được theo dõi sát sao nhất trong nhiều thập kỷ, khi các quan chức quyết định việc có dừng áp dụng lãi suất âm hay sẽ chờ đến tháng 4/2024.
Cuộc họp của BoJ diễn ra vài ngày sau khi Tổng liên đoàn lao động Nhật Bản thông báo các cuộc đàm phán hàng năm đưa đến việc tăng lương mạnh nhất trong 30 năm, phát tín hiệu đến các nhà chức trách rằng chu kỳ lương tăng kéo lạm phát lên đã bắt đầu.
Tại châu Âu, các ngân hàng trung ương, từ Anh đến Thụy Sỹ, có thể tiến tới hạ lãi suất, trong khi cả bốn ngân hàng trung ương tại Mỹ Latinh trong tuần này đã sẵn sàng hoặc bắt đầu hoặc tiếp tục chu kỳ nới lỏng chính sách.
Trước tiên, hầu hết các nhà kinh tế dự báo Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ sẽ giữ nguyên lãi suất. Ngay sau đó, Ngân hàng trung ương Na Uy cũng được cho là không điều chỉnh lãi suất và hều hết các nhà kinh tế nhận định lãi suất sẽ không giảm trước quý 3 năm nay.
Tại Anh, số liệu lạm phát mới sẽ được công bố vào ngày 20/3 và kết quả khảo sát nhà quản trị mua hàng mới nhất được công bố vào ngày 21/3, trước khi Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cân nhắc quyết định chính sách, với dự báo cũng sẽ tiếp tục không điều chỉnh lãi suất.
Khi lạm phát giá tiêu dùng đang tăng chậm lại nhưng có thể vẫn vượt mức mục tiêu 2%, BoE không vội trong việc hạ lãi suất vào thời điểm hiện nay./.