Chính phủ Đức xem xét mua 30% cổ phần trong Công ty năng lượng Uniper
Uniper, khách hàng lớn nhất tại Đức mua khí đốt của Nga, hồi đầu tháng Bảy đã yêu cầu Chính phủ Đức hỗ trợ bình ổn vốn để duy trì hoạt động kinh doanh sau khi nguồn cung khí đốt của Nga giảm mạnh.
Chính phủ Đức có thể mua 30% cổ phần của Công ty năng lượng Uniper, coi đây như một phần của thỏa thuận hỗ trợ công ty này trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng đang khiến giá khí đốt tăng chóng mặt ở Đức.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn các nguồn tin thân cận với những cuộc đàm phán cho biết Uniper, khách hàng lớn nhất tại Đức mua khí đốt của Nga, hồi đầu tháng Bảy đã yêu cầu Chính phủ Đức hỗ trợ bình ổn vốn để duy trì hoạt động kinh doanh sau khi nguồn cung khí đốt của Nga giảm mạnh, xuống còn khoảng 40% khối lượng theo hợp đồng kể từ giữa tháng Sáu.
Ngoài cam kết ngăn chặn Uniper tuyên bố phá sản, việc Berlin cân nhắc khả năng mua hơn 30% cổ phần của công ty năng lượng này còn nhằm mục đích ngăn chặn phản ứng dây chuyền gây ảnh hưởng tiêu cực đến người dân Đức. Thậm chí, tác động của phản ứng đó cũng có thể ảnh hưởng đến Cộng hòa (Séc), quốc gia láng giềng có các công ty thương mại mua khí đốt của Đức.
[IMF: Kinh tế Đức sẽ ảnh hưởng nặng nề nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt]
Theo báo Handelsblatt, Nội các Đức có thể thông qua quyết định đầu tư từ 5-10 tỷ USD vào Uniper và đổi lại sẽ nhận cổ phiếu phát hành lần đầu và trái phiếu lai của công ty. Tuy nhiên, số tiền đầu tư chính xác vẫn còn đang được đàm phán.
Theo kế hoạch, kết quả sẽ được công bố trong vài ngày tới trước khi ban lãnh đạo Uniper dự kiến gặp Thủ tướng Olaf Scholz vào ngày 22/7.
Ngoài kế hoạch Chính phủ Đức đầu tư vốn vào công ty, Uniper cũng đang thăm dò khả năng nhận vay vốn của Ngân hàng tái thiết Đức (KfW) ngoài hạn mức tín dụng 2 tỷ USD đã có.
Kế hoạch tái cơ cấu trên cũng phải được công ty Fortum của Phần Lan - cổ đông chính hiện sở hữu 78% cổ phần của Uniper - chấp thuận.
Trong tháng 6/2022, Uniper đã trở thành công ty năng lượng đầu tiên của Đức gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu khí đốt và giá mặt hàng này tăng cao sau khi Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cắt giảm đáng kể nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) với lý do thực hiện công tác bảo trì tuabin.
Mặc dù, kế hoạch bảo trì dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 21/7, song các nhà lãnh đạo châu Âu đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra là Nga cắt nguồn cung khí đốt và không khởi động lại đường ống Nord Stream 1.
Quốc hội Đức mới đây cũng đã thông qua kiến nghị sửa đổi một điều luật cho phép chính phủ nước này cứu trợ các công ty năng lượng gặp khó khăn về tài chính do giá năng lượng tăng cao./.