Chính phủ Đức thông qua kế hoạch 10 điểm thúc đẩy phát triển quốc gia
Thủ tướng Đức một lần nữa nhấn mạnh yếu tố "tốc độ" để đưa đất nước tiến nhanh về phía trước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, trong đó Đức cần giảm tệ quan liêu và thúc đẩy các dự án số hoá.
Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 30/8 đã thông qua kế hoạch 10 điểm nhằm thúc đẩy phát triển quốc gia. Các nội dung quan trọng này được thông qua sau hai ngày họp kín giữa ba đảng trong liên minh cầm quyền tại lâu đài Meseberg ở ngoại ô Berlin sau kỳ nghỉ Hè.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn phát biểu của Thủ tướng Scholz một lần nữa nhấn mạnh yếu tố "tốc độ" để đưa nước Đức tiến nhanh về phía trước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, trong đó Đức cần giảm tệ quan liêu và thúc đẩy các dự án số hoá.
Kế hoạch nêu rõ Đức đang trong quá trình hiện đại hóa mạnh mẽ nền kinh tế và những năm tới sẽ là thời điểm thay đổi đối với các công ty ở Đức. Hiện đại hóa một cách cơ bản là cách tốt nhất để làm cho nước Đức mạnh mẽ và kiên cường hơn về kinh tế và xã hội.
Chính phủ cũng nhận thấy Đức đang phải đối mặt với một số vấn đề cả cũ lẫn mới, đặc biệt là tệ quan liêu, quy trình lập kế hoạch và phê duyệt quá chậm chạp, tình trạng thiếu lao động lành nghề ngày càng gia tăng, những tồn tại trong quá trình số hóa, chuyển đổi năng lượng, tính cạnh tranh giảm...
Để giải quyết những vấn đề trên, Chính phủ Đức đã thông qua kế hoạch 10 điểm nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế và đầu tư, đáng chú ý là kế hoạch giảm thuế 7 tỷ euro/năm (7,6 tỷ USD/năm) từ năm 2024, hay thúc đẩy sớm thông qua đạo luật giảm nạn quan liêu nhằm giúp tiết kiệm khoảng 2,3 tỷ euro/năm (2,5 tỷ USD/năm).
[Thủ tướng Đức Olaf Scholz họp báo về chính sách đối nội và đối ngoại]
10 điểm trong kế hoạch bao gồm:
Thứ nhất, Đạo luật Cơ hội tăng trưởng sẽ giúp khuyến khích đầu tư và đổi mới với trọng tâm là các công ty đầu tư thân thiện với khí hậu, trong đó tổng tiền cứu trợ theo đạo luật này lên tới trên 32 tỷ euro (35 tỷ USD).
Thứ hai, Đạo luật Tài chính tương lai nhằm tạo động lực cho một thị trường vốn hấp dẫn hơn để đưa nước Đức thành quốc gia khởi nghiệp, trong đó các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ lên tới 1 tỷ euro/năm (1,09 tỷ USD/năm).
Thứ ba là lập Quỹ Khí hậu và Chuyển dịch, trong đó 211 tỷ euro (230,6 tỷ USD) sẽ được cung cấp cho các biện pháp bảo vệ khí hậu trong xây dựng và giao thông những năm tới.
Thứ tư là đẩy nhanh quy trình lập kế hoạch và cấp phép nhằm thu hút các nhà đầu tư.
Thứ năm là giảm tệ quan liêu vốn được coi là trở ngại thực sự cho việc đầu tư, nhất là với các công ty cỡ vừa, trong đó cần xác định cụ thể những quy định cần được loại bỏ hoặc thay đổi để các thủ tục hành chính bớt rườm rà và minh bạch hơn, các khoản đầu tư kinh tế quan trọng có thể được thực hiện một cách dễ dàng.
Thứ sáu là đảm bảo an ninh năng lượng với giá cả phải chăng, trong đó cần phải đẩy nhanh sản xuất điện, chủ yếu từ năng lượng Mặt Trời và gió, cũng như tăng cường thu mua hydro và xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc này.
Thứ bảy là thúc đẩy số hoá để có thể đi đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, cải thiện các điều kiện khung cho việc sử dụng và truy cập dữ liệu cũng như đầu tư vào nền kinh tế dữ liệu. Để đẩy nhanh quá trình số hóa hành chính, các bộ ngành trung ương sẽ hỗ trợ các bang với 15 dịch vụ trọng tâm trong lĩnh vực luật truy cập trực tuyến, chẳng hạn, người được bảo hiểm có thể nhận bệnh án điện tử sớm nhất vào năm 2025.
Thứ tám là thu hút lực lượng lao động lành nghề trong bối cảnh nước Đức đang thiếu chuyên gia và công nhân có tay nghề ở hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt khi một lượng lớn theo giai đoạn "bùng nổ dân số" trước đây sẽ nghỉ hưu trong vài năm tới.
Thứ chín là khuyến khích tương lai, trong đó giáo dục và nghiên cứu sẽ được hỗ trợ hơn 20 tỷ euro (21,8 tỷ USD) trong năm ngân sách 2024, bên cạnh nguồn tài trợ cho nghiên cứu theo Đạo luật Cơ hội tăng trưởng nêu trên. Cuối cùng là thúc đẩy hợp tác thương mại và nguồn cung nguyên liệu thô.
Kế hoạch quan trọng nêu trên được đưa ra khi Chính phủ liên minh "đèn giao thông" của ông Scholz đã đi được nửa chặng đường trong nhiệm kỳ bốn năm, đặc biệt trong bối cảnh nước Đức đang đối mặt với nguy cơ kinh tế suy yếu, lạm phát ở mức cao trong khi suy thoái rình rập./.