Chia sẻ bí quyết về 'em bé song ngữ' gây xôn xao cộng đồng mạng

Dù mới 3 tuổi nhưng bé Minh Hy đã có thể giao tiếp bằng tiếng Anh như tiếng Việt. Chị Quỳnh Anh, mẹ bé cho hay từ khi con lọt lòng đã phân vai cho bố nói tiếng Việt, mẹ nói tiếng Anh khi nói với con.

Bé Minhee và mẹ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Ngay từ khi con vừa chào đời, thậm chí ngay từ khi còn trong bụng mẹ, tôi đã dạy con nói tiếng Anh. Mẹ nói với con bằng tiếng Anh, bố và những người thân trong gia đình nói tiếng Việt nên con đã có sự tiếp nhận tự nhiên cả hai ngôn ngữ và khi bắt đầu bập bẹ tập nói, con đã nói bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.”

Đây là "bí quyết" dạy con nói tiếng Anh như người bản xứ được chị Đỗ Quỳnh Anh, mẹ bé Nguyễn Minh Hy (tên ở nhà là Minhee), chia sẻ tại lễ ra mắt bộ sách Bút chấm đọc-học tiếng Anh Tân Việt do Tân Việt books tổ chức sáng nay, ngày 20/5, tại Hà Nội.

Bé Nguyễn Minh Hy, còn được cộng đồng mạng biết đến với tên Minhee hay “em bé song ngữ”, nhân vật chính trên kênh Tiktok “Em bé nói tiếng Anh”. Dù mới 3 tuổi nhưng bé đã có thể giao tiếp bằng tiếng Anh như tiếng Việt. Khả năng này cùng sự ngây thơ, đáng yêu của Minhee đã thu hút sự chú ý của cộng đồng.

Chị Đỗ Quỳnh Anh cho biết bản thân là giáo viên tiếng Anh nên có lợi thế về khả năng sử dụng ngôn ngữ này. Trước khi áp dụng phương pháp giáo dục này cho con, chị đã tìm hiểu rất kỹ và hiểu rằng tất cả các ngôn ngữ đều có cơ chế tiếp nhận như nhau, bắt đầu bằng nghe, đến nói và đọc, viết. Vì thế, ngay từ khi mang thai Minhee, chị đã “phân vai” cho chồng sẽ giao tiếp với con bằng tiếng Việt còn mình sẽ giao tiếp với con bằng tiếng Anh để dạy con song song hai ngôn ngữ.

“Từ khi chào đời, con tuy chưa biết nói nhưng đây là giai đoạn con hấp thụ ngôn ngữ một cách thụ động. Vì thế, tôi nỗ lực kiên trì nói với con bằng tiếng Anh mỗi ngày. Kết quả là khi bắt đầu tập nói, con cũng nói bằng tiếng Anh, bắt đầu bằng từ đơn rồi đến từ ghép, từ câu đơn đến câu phức, từ câu ngắn đến câu dài,” chị Quỳnh Anh chia sẻ.

Bé Minhee vui vẻ đùa vui cùng bố. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chia sẻ thực tế từ việc dạy song ngữ cho Minhee từ lúc lọt lòng, chị Quỳnh Anh cho hay con không bị lẫn lộn giữa hai ngôn ngữ dù có những thời điểm, khả năng sử dụng tiếng Anh của con trội hơn tiếng Việt. Đó là giai đoạn đầu khi chị ở nhà với con nhiều hơn trong khi chồng đi làm cả ngày. Vì thế, con tiếp xúc với tiếng Anh nhiều hơn và nói tiếng Anh tốt hơn, bắt đầu tập nói cũng bằng những từ tiếng Anh.

Để giúp con cân bằng, chị đã cho con đi học mẫu giáo. Việc tiếp xúc với giáo viên và các bạn hàng ngày bằng tiếng Việt đã giúp cho khả năng tiếng Việt của Minhee tốt hơn và hiện bé có thể sử dụng hai ngôn ngữ như nhau.

[Thủ khoa xuất sắc ĐH RMIT từng bị chê không có khả năng học tiếng Anh]

Để giúp con phát triển vốn từ, chị thường xuyên đọc truyện tiếng Anh cho con nghe. Để con tăng khả năng diễn đạt, chị trò chuyện bằng tiếng Anh với con hàng ngày, như hỏi con về trường, lớp, bạn bè, các bài hát…Chị cũng cho con xem các YouTube một cách chọn lọc và có kiểm soát để tiếp xúc với ngôn ngữ bản địa.

Cũng theo chị Quỳnh Anh, kiên trì chính là điều quan trọng nhất khi dạy con song ngữ, đặc biệt là trong giai đoạn đầu, khi con chưa biết nói và cũng có ý kiến trong gia đình lo ngại về việc dạy con bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh sẽ khiến con bị rối loạn giữa hai ngôn ngữ.

Đó còn là sự kiên trì để vượt qua những quan điểm khác trong dư luận. Quỳnh Anh bảo khi lập kênh Tiktok để chia sẻ những khoảng khắc đáng yêu của con, bên cạnh những lời khen, chị cũng nhận được những ý kiến trái chiều, lo lắng cho rằng bé bị bố mẹ ép học quá sớm. Nhưng trên thực tế, chị không hề ép con mà dạy con hoàn toàn tự nhiên qua những cuộc trò chuyện vui vẻ mỗi ngày.

“Tôi vẫn tin vào phương pháp giáo dục song ngữ vì đã tìm hiểu kỹ. Tôi cũng biết rằng trên thế giới, ở nhiều quốc gia, gia đình đa ngôn ngữ và họ cũng dạy con nói được nhiều thứ tiếng cùng lúc một cách tự nhiên theo phương thức này. Vì thế, tôi không lo con sẽ bị loạn ngôn ngữ. Thậm chí, nếu có điều kiện, tôi vẫn mong có thể dạy con nhiều ngôn ngữ hơn nữa,” chị Quỳnh Anh nói./.

Phạm Mai (Vietnam+)