Cháy rừng tại Los Angeles: Giới chức Mỹ kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu

Nhà Trắng nhấn mạnh tính cấp bách của vấn đề biến đổi khí hậu, cho rằng cháy rừng cho thấy con người cần hành động mạnh mẽ hơn về giảm phát thải khí nhà kính.

Trong bối cảnh cháy rừng đang diễn ra nghiêm trọng tại Los Angeles thuộc bang California, giới chức và truyền thông Mỹ đã cảnh báo biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy rừng, theo đó kêu gọi chính quyền liên bang cần có biện pháp quyết liệt hơn trong việc chống lại biến đổi khí hậu.

Nhà Trắng nhấn mạnh tính cấp bách của vấn đề biến đổi khí hậu, cho rằng cháy rừng cho thấy con người cần hành động mạnh mẽ hơn về giảm phát thải khí nhà kính.

Tương tự, nhiều tờ báo Mỹ như The New York Times và Los Angeles Times, liên tục nhấn mạnh biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy rừng. Một số báo đánh giá cao chính quyền của Tổng thống Joe Biden và chính quyền bang California đã phản ứng nhanh chóng và hiệu quả.

Chính quyền Mỹ đã kịp thời có những hành động phản ứng nhanh, ban hành lệnh hỗ trợ khẩn cấp, đảm bảo các nguồn lực liên bang được huy động để giúp bang California đối phó với thảm họa.

Tổng thống Biden cam kết hỗ trợ Bộ Quốc phòng nhằm tăng cường khả năng ứng phó với cháy rừng của chính quyền bang và địa phương. Ông nhấn mạnh: "Chính quyền liên bang sẽ làm mọi thứ trong khả năng để hỗ trợ California đối phó với thảm họa này."

Ngay khi vụ cháy xảy ra, Tổng thống Biden đã làm việc với Thống đốc California Gavin Newsom để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan bang và liên bang.

Về phần mình, Thống đốc California Newsom đã ban bố tình trạng khẩn cấp và kêu gọi sự hỗ trợ từ liên bang. Ông cho biết: "Chúng tôi đang đối mặt với một trong những vụ cháy rừng nghiêm trọng nhất trong lịch sử bang, và sự hỗ trợ từ chính quyền liên bang là vô cùng cần thiết."

Chính quyền bang California đã phải huy động mọi nguồn lực để dập lửa và hỗ trợ người dân. California đã điều động hàng trăm nhân viên cứu hỏa, máy bay trực thăng và máy bay chữa cháy để khống chế đám cháy. Chính quyền địa phương cũng thiết lập các trung tâm tạm trú và cung cấp hỗ trợ y tế, tâm lý cho người dân bị ảnh hưởng.

Sở Cứu hỏa Los Angeles đã triển khai hàng nghìn lính cứu hỏa để kiểm soát đám cháy. Một phát ngôn viên của sở cho biết: "Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, nhưng điều kiện thời tiết khô hanh và gió mạnh đang gây nhiều khó khăn”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến chỉ trích rằng California vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ để đối phó với thảm họa quy mô lớn.

Thảm họa cháy rừng tại Pacific Palisades là lời cảnh báo về các thách thức lớn do biến đổi khí hậu và sự thiếu chuẩn bị của con người trước thiên tai. Để giảm thiểu thiệt hại trong tương lai, chính quyền cần đầu tư vào quản lý rừng và cơ sở hạ tầng chống thiên tai.

Các chuyên gia nhấn mạnh để khắc phục và vượt qua thảm họa cháy rừng tại California lúc này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền liên bang và bang, cùng với sự tham gia tích cực của cộng đồng. Hành động kịp thời và sự đoàn kết là chìa khóa để vượt qua thảm họa và xây dựng một tương lai bền vững hơn.

Kể từ ngày 7/1 đến nay, các đám cháy rừng bùng phát ở thành phố Los Angeles, bang California của Mỹ vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và hơn 180.000 cư dân phải đi sơ tán. Khoảng 10.000 tòa nhà và công trình kiến trúc tại đây bị hư hại nặng hoặc bị phá hủy hoàn toàn.

Liên quan đến công tác dập tắt cháy rừng, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum hôm 10/1 cho biết chính phủ nước này sẽ gửi một nhóm binh sĩ và lính cứu hỏa đến thành phố Los Angeles, để hỗ trợ chính quyền và người dân địa phương ứng phó với thảm họa cháy rừng.

Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, Tổng thống Sheinbaum cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Mexico Juan Ramón de la Fuente đã trao đổi với Thống đốc bang California Gavin Newson và một số quan chức khác của chính phủ Mỹ để đề nghị triển khai nhóm hỗ trợ.

Hiện nay, đội cứu hộ đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để đến Los Angles thực hiện nhiệm vụ. Nhóm bao gồm các lính cứu hỏa cháy rừng thuộc Ủy ban Lâm nghiệp Quốc gia Mexico (Conafor) và các binh sĩ thuộc Đội cứu trợ thảm họa (Plan DN-III).

Bà Sheinbaum nhấn mạnh đây không chỉ là hoạt động hỗ trợ của Chính phủ Mexico đối với quốc gia láng giềng, mà ở khu vực xảy ra nạn cháy rừng có rất nhiều công dân gốc Mexico sinh sống.

Cho đến nay, Bộ Ngoại giao Mexico (SRE) vẫn chưa thống kê được con số công dân Mexico thiệt mạng và bị ảnh hưởng bởi thảm họa trên. Theo ước tính, Los Angeles là thành phố có nhiều công dân gốc Mexico sinh sống nhất tại Mỹ với ít nhất 1 triệu người./.