"Chất lượng là vấn đề quan trọng nhất khi áp dụng Luật Đấu thầu"

Đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, nếu chỉ đặt mục tiêu tiết kiệm tiền cho ngân sách Nhà nước thì chỉ thu hút được các đối tượng đấu thầu "giá cả là hàng đầu," sản phẩm khó đảm bảo chất lượng.

Quang cảnh phiên họp sáng 24/5. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Sáng 24/5, bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng phải coi Luật Đấu thầu là phương tiện để mua được những sản phẩm đặc biệt, với chất lượng tốt nhất, giá rẻ nhất. Không được coi đấu thầu là mục tiêu chống tham nhũng.

Và việc đấu thầu còn tùy thuộc vào hiệu quả của công tác giám sát, theo dõi và kiểm tra hoạt động đấu thầu.

Chia sẻ về Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) có một số nội dung còn ý kiến khác nhau, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan chỉ rõ, bản chất của gói đấu thầu, kỹ thuật đấu thầu là có rất nhiều bí mật. Tất cả tham gia đấu thầu đều phải nộp hồ sơ, bảo đảm bí mật của hồ sơ, phải thống nhất về kỹ thuật, sau đó mới bàn về giá cả.

Dù quy định như vậy nhưng có những người lợi dụng chức quyền để bắt tay với nhau, dẫn đến bí mật hồ sơ bị lộ.

Ví dụ, một nhà thầu có thể cung ứng một mặt hàng chất lượng tốt, lại có kinh nghiệm trên thị trường, đã bỏ thầu 1.000 đồng. Nếu đối thủ cạnh tranh biết, mặc dù hàng hóa của đối thủ này chất lượng kém hơn, nhưng chỉ cần 999 đồng là trúng thầu.

Một vấn đề khác là chuyện bắt tay nhau để nâng giá rồi ăn chia chênh lệch giữa chủ đầu tư với những người tham gia thầu.

Trước nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng đấu thầu đang bị lợi dụng, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu vấn đề: Rất nhiều công trình trúng thầu với mức giá rất thấp nhưng sau đó là nhiều vấn đề, hệ luỵ. Trong lĩnh vực y tế, nếu chỉ nhìn đấu thầu ở mục tiêu có giá thấp nhất sẽ dẫn đến vấn đề về chất lượng thuốc.

"Tôi đề nghị rất nhiều trong các kỳ họp là phải có tiêu chí kỹ thuật khi đánh giá thuốc và trang, thiết bị y tế. Tiêu chí này không phải chỉ dựa vào thuốc sản xuất ở đâu, nhà máy nào, có đạt chuẩn hay không, nguồn nguyên liệu ở Ấn Độ, Trung Quốc hay châu Âu. Nếu dựa theo tiêu chí đó thì chúng ta sẽ tìm được rất nhiều mặt hàng giống nhau, không thể phân biệt được," đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.

"Điều quan trọng phải là chất lượng điều trị, bệnh nhân hài lòng. Đừng đặt nặng chuyện đấu thầu làm sao để mỗi lần tiết kiệm bao nhiêu tiền," đại biểu Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan phát biểu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Bày tỏ nghị định, thông tư là những văn bản dưới Luật có sự ảnh hưởng rất lớn, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan dẫn ra ví dụ Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 14/2022/TT-BYT bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, liên tịch ban hành, trong đó bỏ quy định các đơn vị phải tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng trước và không được cao hơn giá trúng thầu trang thiết bị y tế.

Đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh phân tích: Muốn đấu thầu phải xây dựng giá kế hoạch. Giá kế hoạch nhân với số lượng sẽ ra trị giá của gói thầu, sau đó chào thầu. Chào thầu với giá kế hoạch thì trúng thầu, giá trúng thầu bắt buộc thấp hơn giá kế hoạch, nếu vượt sẽ bị loại.

[Sửa Luật Đấu thầu sẽ tháo gỡ vướng mắc trong mua thuốc, vật tư y tế]

Tại Thông tư số 14/2022/TT-BYT của Bộ Y tế, giá kế hoạch thay vì xây theo giá thị trường, chỉ số giá tiêu dùng, trượt giá hằng năm cho sát thực tế thì Bộ Y tế lại xây theo giá trúng thầu thấp nhất của 12 tháng trước. Như vậy, khi ra được giá kế hoạch là giá thấp nhất của năm nay thì năm sau để trúng thầu lại phải thấp hơn với giá của năm nay.

"Nếu cứ tính theo kiểu đó thì tới một lúc giá trúng thầu bằng 0," đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phân tích.

Nhắc đến việc áp dụng Luật Đấu thầu, theo đại biểu, hiệu quả, chất lượng phải là vấn đề quan trọng nhất, nếu chỉ đặt mục tiêu tiết kiệm tiền cho ngân sách Nhà nước hay lo những chuyện này, chuyện khác thì chỉ thu hút được các đối tượng đấu thầu "giá cả là hàng đầu."

"Tôi dám bảo đảm, một sản phẩm mà giá quá rẻ, giá rẻ nhất, giá thấp nhất thì không thể bảo đảm chất lượng. Nếu chỉ coi Luật Đấu thầu nhằm mục tiêu tiết kiệm tiền ngân sách sẽ có nguy cơ dẫn đến thiếu đi sự phát triển bền vững, thiếu động lực để sáng tạo," đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhìn nhận.

"Rất đau xót là trong lĩnh vực y tế thì ngành công nghiệp dược, công nghệ trang thiết bị đang bị bào mòn. Tất cả những công ty lớn có tên tuổi trong ngành dược hầu như đã bán cho nước ngoài. Đây là hậu quả sau khi chúng ta để thị trường tiêu thụ thuốc lớn nhất chính là trong bệnh viện, cho người dân chúng ta theo hướng là thuốc rẻ nhất theo kiểu đấu thầu. Đó là chưa kể hậu quả trong điều trị sẽ như thế nào. Chúng ta tiết kiệm một vài đồng tiền thuốc nhưng bệnh lâu khỏi, tăng ngày điều trị, mất uy tín của bác sỹ, mất uy tín của hệ thống bảo hiểm y tế," đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.

Đánh giá Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) vẫn chưa có những đột phá trong lĩnh vực y tế dù có riêng chương V là "Mua sắm tập trung, mua thuốc; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công," đại biểu Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ, mua sắm tập trung bằng cách đấu thầu rộng rãi cũng chỉ là vấn đề quy mô.

Dự thảo chưa có quy định cụ thể về tăng cường đàm phán giá, chỉ định thầu trong những trường hợp khẩn cấp như thế nào.

Tiêu chí đánh giá của bác sỹ chưa được đưa ra thành các tiêu chí trong điểm kỹ thuật; dù có thể mang tính cảm tính, rất khó đánh giá, nhưng phải nghĩ cách để có được những tiêu chí đó./.

Hạnh Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)