CH Congo sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng xuất khẩu sang châu Âu
Bộ trưởng Dầu mỏ CH Congo Bruno Jean Richard Itoua cho biết dự án sản xuất LNG đã được Hội đồng quản trị của Eni (Italy) phê duyệt hồi cuối năm 2022, với khoản đầu tư ban đầu là 5 tỷ USD.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 27/2, Cộng hòa Congo đã bắt đầu sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), với chuyến hàng đầu tiên dự kiến được chuyển tới Italy - một trong nhiều quốc gia châu Âu đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của mình.
Tổng thống Cộng hòa Congo Denis Sassou N'Guesso và Giám đốc điều hành Công ty dầu mỏ Eni của Italy - đơn vị phát triển dự án sản xuất LNG trên, đã cùng khai trương nhà máy sản xuất LNG ở vùng ngoại ô phía Đông thành phố Pointe-Noire, miền Nam nước này.
Bộ trưởng Dầu mỏ Cộng hòa Congo Bruno Jean Richard Itoua cho biết dự án này đã được Hội đồng quản trị của Eni phê duyệt hồi cuối năm 2022, với khoản đầu tư ban đầu là 5 tỷ USD.
Hiện, dự án đang được triển khai theo nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu từ cuối năm 2023 với việc lắp đặt một nhà máy hóa lỏng khí đốt tự nhiên nổi.
Giai đoạn 2 đang được xây dựng, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2025, sẽ chứng kiến việc vận hành nhà máy nổi thứ 2, nâng tổng công suất hóa lỏng lên 3 triệu tấn mỗi năm.
Cũng theo ông Itoua, riêng trong năm nay, sản lượng LNG của Cộng hòa Congo sẽ đạt 600.000 tấn.
Ông nêu rõ: "Chúng tôi và Eni muốn thực hiện dự án trên một cách nhanh chóng do nhu cầu về khí đốt tăng mạnh trên thế giới liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine."
Trong khi đó, về phía Eni, Giám đốc điều hành Claudio Descalzi tuyên bố với chuyến hàng đầu tiên, Cộng hòa Congo sẽ gia nhập nhóm các nước xuất khẩu LNG, mở ra cơ hội phát triển kinh tế, cũng như góp phần cân bằng năng lượng toàn cầu.
Theo ông Descalzi, dự án nhà máy sản xuất LNG "sẽ giúp Cộng hòa Congo xuất khẩu khoảng 4,5 tỷ m3 khí đốt tự nhiên hóa lỏng mỗi năm."
Chính phủ Cộng hòa Congo ước tính xuất khẩu khí đốt sẽ đóng góp khoảng 48 triệu USD vào ngân sách nước này trong năm 2024./.