'Cắt nghĩa muộn phiền' để tìm bình yên thực sự trong tâm hồn
Xuyên suốt cuốn sách, tác giả đề cập đến nhiều mối quan tâm của người trẻ hiện nay như: Mối quan hệ độc hại, hướng nghiệp, thay đổi công việc, phát triển bản thân.
“Hạnh phúc thực sự sẽ đến khi ta biết cách trân quý cả những muộn phiền” - đó là thông điệp mà Tiến sỹ Đặng Hoàng Ngân muốn gửi gắm thông qua cuốn sách mới xuất bản “Cắt nghĩa muộn phiền theo Tâm lý học.”
Sách gồm 5 chương, xoay quanh những vấn đề rất đỗi quen thuộc của người trưởng thành. Bốn chương đầu “gọi tên” những nỗi buồn: “Bản thân chưa đủ tốt,” “Không được là chính mình,” “Không chịu đựng được người khác” và “Mắc kẹt trong công việc.”
[Cần coi trọng tư vấn tâm lý học đường ngang với chuyện thi cử]
Tác giả Đặng Hoàng Ngân khuyến khích mọi người trân trọng những điểm tốt nhỏ bé nhất của bản thân, thay vì cố gắng trở nên hoàn hảo. Chị cũng gợi ý những kỹ năng ứng phó với muộn phiền trong từng tình huống cụ thể.
Ở chương cuối cùng - “Chăm sóc muộn phiền,” tác giả đưa ra những hoạt động giúp tinh thần khỏe mạnh, hướng tới sự thay đổi tích cực, bền vững.
Xuyên suốt cuốn sách, tác giả không cổ vũ độc giả vội quên đi nỗi buồn để tận hưởng niềm vui. Chị cho rằng muộn phiền mở ra cơ hội để thêm thấu hiểu bản thân, học về lòng bao dung và khả năng đối diện với nghịch cảnh.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Tiến sỹ Đặng Hoàng Ngân cho hay nội dung cuốn sách xuất phát từ chính những trải nghiệm thực tế bởi chị là một nhà nghiên cứu và thực hành tâm lý học.
“Công việc giảng dạy và tham vấn tâm lý cho tôi cơ hội lắng nghe nhiều lời tâm sự, đặc biệt là của những người trẻ. Họ nói về băn khoăn trong công việc, trong việc xác định mình là ai, giá trị của mình là gì… Điều đó khiến họ mang những gánh nặng trong tâm trí. Đâu đó có những nỗi buồn bị phủ nhận sự tồn tại, để theo đuổi niềm vui một cách vội vã,” tác giả Đặng Hoàng Ngân cho biết.
Trong sách, tác giả bổ sung những khái niệm mới của ngành tâm lý học, được đóng thành "Hộp thuật ngữ" xuất hiện ở cuối mỗi chương, hướng bạn đọc hiểu sâu hơn về vấn đề.
Qua đó, tác giả mong muốn đưa những khái niệm đến gần hơn với công chúng: "Thật tiếc khi điều thú vị của khoa học tâm lý đang bị giới hạn khi chỉ được giảng dạy trên giảng đường, khi tính chắc chắn và logic của khoa học chưa được 'đóng gói' trong ngôn từ để dễ tiếp cận với nhiều người hơn."./.