Cấp bách phòng tránh sụt trượt trên đường giao thông vùng núi
Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thảo luận, trao đổi định hướng cơ sở khoa học, thực tiễn giải pháp kỹ thuật để phòng tránh sụt trượt cho bờ dốc cao trên đường vùng núi.
Ngày 18/9, tại Hà Nội, Trường Đại học Giao thông Vận tải phối hợp với một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển, sản xuất và thi công các giải pháp phòng, chống sụt trượt của Việt Nam, Italy và Hàn Quốc tổ chức Hội thảo chuyên đề “Phòng, tránh trượt bờ dốc cao trên đường giao thông vùng núi.”
Các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý đến từ một số bộ, ngành như Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học chuyên ngành, Ban quản lý dự án, các địa phương và doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông, xây dựng… đã tham dự hội thảo.
Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thảo luận, trao đổi định hướng cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn giải pháp kỹ thuật để phòng tránh sụt trượt cho bờ dốc cao trên đường giao thông vùng núi, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Đồng thời giới thiệu giải pháp ngăn giữ lũ bùn đá; quan trắc mất ổn định bờ dốc đá và giải pháp cấp bách để thông đường do sụt trượt.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lê Hoài Đức, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải, nhấn mạnh sụt trượt hay sạt lở đất là một dạng tai biến địa chất nguy hiểm, hàng năm gây thiệt hại rất lớn cả về người và tài sản, ngay cả với những nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…
Tại Việt Nam, với 3/4 lãnh thổ là vùng đồi núi, hệ thống giao thông đường bộ qua vùng núi chiếm tỷ trọng lớn, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Việc xây dựng hệ thống giao thông đường bộ khi cắt qua vùng đồi núi, vừa là đối tượng làm “phát sinh” và cũng là “chịu” ảnh hưởng nặng nề nhất từ sụt trượt đất đá, bao gồm cả nền đào cũng như nền đắp khi đường qua khu vực đồi núi.
“Chỉ một trận mưa bão số 3 vừa qua, dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ thiệt hại, nhưng có thể thấy, riêng sụt trượt đất đá, đặc biệt trên các tuyến giao thông vùng núi xảy ra khắp các tỉnh từ Đông Bắc, Việt Bắc tới Tây Bắc nước ta, gây hại rất nặng nề về người và tài sản,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lê Hoài Đức thông tin.
Khẳng định ý nghĩa của hội thảo nhằm tìm kiếm thêm giải pháp để phòng tránh sụt trượt trên đường giao thông vùng núi, để giảm thiểu các thiệt hại về người và tài sản khi có mưa bão, sụt, trượt đất đá xảy ra, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Đức Mạnh, Trưởng Bộ môn Địa kỹ thuật, Trường Đại học Giao thông Vận tải, nhấn mạnh có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử, chỉ 1 đợt mưa bão đầu tháng Chín này sụt trượt đất đá đã xảy ra tại 14 tỉnh vùng núi phía Bắc. Dù đã, đang có nhiều nghiên cứu, áp dụng các giải pháp phòng, chống, ứng phó với sụt trượt những năm qua, nhưng thiệt hại gây ra do sụt trượt vẫn chưa được hạn chế.
“Do vậy, việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ mới trong phòng, chống cũng như phòng tránh sụt trượt trên đường giao thông vùng núi, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do loại tai biến địa chất nguy hiểm này gây ra là rất cấp thiết,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Đức Mạnh nêu rõ.
Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải Lê Văn Dương phát biểu khẳng định tính cấp bách và quan trọng của việc không ngừng tìm kiếm các giải pháp mới, phù hợp điều kiện Việt Nam trong phòng, tránh sụt trượt cho hệ thống đường ô tô ở vùng núi.
Tại hội thảo, các nhà khoa học và chuyên gia giàu kinh nghiệm, cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật chuyên nghiệp đã trao đổi, nghiên cứu, phát triển giải pháp kỹ thuật cần thiết, hướng tới việc áp dụng những giải pháp phù hợp trong giám sát sụt trượt, xử lý cấp bách sụt trượt, ngăn chặn lũ bùn đá và đặc biệt tránh sụt trượt bằng bán hầm thép.
Tham luận “Sụt trượt bờ dốc cao trên đường giao thông vùng núi ở Việt Nam-Phòng chống hay phòng tránh” của Bộ môn Địa kỹ thuật, Trường Đại học Giao thông Vận tải đã cho thấy bức tranh tổng thể về sự xuất hiện rộng khắp hiện tượng sụt trượt trên các tuyến đường giao thông vùng núi mỗi mùa mưa. Đặc biệt chỉ trong một đợt mưa bão đầu tháng Chín này đã gặp hiện tượng sụt trượt khắp các tỉnh thuộc vùng đồi núi nước ta.
Tham luận đã sơ lược được các giải pháp phòng, chống hiện đang áp dụng, đặc điểm sụt trượt bờ dốc cao trên đường giao thông qua khu vực núi đồi núi dốc, đồng thời chỉ ra được những khó khăn khi áp dụng các giải pháp sẵn có để phòng, chống sụt trượt tại các vị trí có bờ dốc cao; sự cần thiết tìm các giải pháp kỹ thuật mới trong phòng tránh sụt trượt tại các vị trí có bờ dốc cao trên đường giao thông vùng núi.
Phân tích về thực trạng và mức độ nguy hiểm của hiện tượng đá lở, đá rơi trên bờ dốc đường giao thông vùng núi; cấu tạo và nguyên lý các kết cấu ngăn giữ đá lở đá rơi trên bờ dốc, báo cáo “Hiệu quả bước đầu giải pháp ổn định bờ dốc, phòng chống đá lở, đá rơi bằng kết cấu lưới thép cường độ cao trên đường giao thông qua vùng núi tại Việt Nam” phân tích hiệu quả trong ngăn giữ các tảng hay khối đá lở, tránh rơi xuống đường ôtô từ một số dự án thực tế điển hình áp dụng 5 năm qua tại Việt Nam; đề cập giải pháp phòng, chống lũ bùn đá, cảnh báo mất ổn định bờ dốc đá và khôi phục đường ôtô vùng núi cấp bách khi bị sụt trượt.
Tại hội thảo, các đại biểu được thông tin về giải pháp mới “Bán hầm thép lượn sóng lắp ghép phức hợp-Giải pháp phòng tránh sụt trượt bờ dốc cao trên đường giao thông,” về phạm vi áp dụng, cũng như các ưu nhược điểm so với bán hầm bằng tông cốt thép tại nơi có vị trí sụt trượt phức tạp…
Hội thảo đã góp phần tìm kiếm thêm những cơ sở khoa học và thực tiễn, phát triển ứng dụng các giải pháp kỹ thuật phù hợp để phòng tránh và giảm thiểu các thiệt hại do sụt trượt đất đá gây ra trên các tuyến giao thông vùng núi nước ta trong thời gian tới./.