Cao tốc TP Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành: Kết nối Tây Nguyên và Đông Nam Bộ
Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Phước thông qua Nghị quyết xây Cao tốc TP Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành với chiều dài 45,6km, tổng kinh phí xây dựng, giải phóng mặt bằng hơn 17.400 tỷ đồng.
Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Phước vừa thông qua Nghị quyết xây dựng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành (đoạn qua tỉnh Bình Phước) với tổng kinh phí 1.474 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương dự kiến là 1.000 tỷ đồng, phần còn lại là ngân sách địa phương.
Đối với dự án xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước là dự án nhóm B, tổng chiều dài tuyến khoảng 6,6km, vận tốc thiết kế 100-120km/h.
Điểm đầu giáp 2 tỉnh Bình Dương-Bình Phước và điểm cuối là thị xã Chơn Thành (Bình Phước).
Thời gian thực hiện từ năm 2024-2026; trong đó, năm 2024 chuẩn bị đầu tư, lập và phê duyệt báo cáo chủ trương đầu tư, lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, tổ chức lựa chọn nhà thầu, khởi công xây dựng; năm 2025-2026 tiếp tục thi công xây dựng và phấn đấu hoàn thành dự án đưa vào sử dụng cuối năm 2026.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Huỳnh Thị Hằng, việc xây dựng tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước sẽ từng bước hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc theo quy hoạch được duyệt.
Cùng với tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước) góp phần hình thành các trục giao thông kết nối vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, tạo ra trục giao thông quan trọng làm tiền đề phát triển các khu hạ tầng dọc theo tuyến đường, nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển, chi phí vận tải và đảm bảo an toàn giao thông.
Bà Huỳnh Thị Hằng yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện kịp thời nghị quyết đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua; Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng Nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết theo quy định; đồng thời, đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh bám sát nghị quyết lãnh đạo của Tỉnh ủy và Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh để tập trung chỉ đạo, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ.
Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành có chiều dài toàn tuyến khoảng 45,6km, tổng kinh phí xây dựng, giải phóng mặt bằng hơn 17.400 tỷ đồng.
Tuyến cao tốc này xuất phát từ đường Vành đai 3-Thành phố Hồ Chí Minh đi trùng với đường ĐT 743, ĐT 747 đến trước cầu Khánh Vân (phường Khánh Bình, thành phố Tân Uyên, Bình Dương), sau đó chuyển hướng rẽ trái tách khỏi đường hiện tại, đi men theo Suối Cái và song song với đường ĐH 409 (thuộc thành phố Tân Uyên).
Tiếp đó, cao tốc sẽ giao cắt đường ĐT 747A tại Cổng Xanh (thị trấn Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương), đi song song và giao cắt với ĐT 741, cắt đường tạo lực Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng, lên xã An Long (huyện Phú Giáo) đến ranh tỉnh Bình Phước (thuộc huyện Bàu Bàng, Bình Dương).
Dự kiến thời gian chuẩn bị, giải phóng mặt bằng và thi công dự án từ năm 2023- 2027, với diện tích đất sử dụng khoảng 322,5ha.
Cao tốc này dự kiến được thực hiện theo loại hợp đồng dự án PPP (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao-BOT)./.