Cảnh báo 50% trẻ sơ sinh Việt Nam và các nước Đông Nam Á thiếu vitamin D

Trên thế giới, ước tính 149 triệu trẻ dưới 5 tuổi bị thấp còi. Đây cũng là dạng suy dinh dưỡng phổ biến nhất ở trẻ em Việt Nam và là một yếu tố ảnh hưởng đến tầm vóc của người Việt khi trưởng thành.

Phó giáo sư Nguyễn Thị Xuyên - Chủ tịch Hội Y học các nước Đông Nam Á, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện nay, tình trạng thiếu hụt vitamin D ở trẻ em tại Việt Nam vẫn còn phổ biến và ảnh hưởng không tốt đến phát triển chiều cao của trẻ em. Nghiên cứu năm 2022 tại các quốc gia Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) cho thấy hơn 50% trẻ sơ sinh thiếu vitamin D.

Đáng lưu ý hơn khi nhiều người hiểu lầm Việt Nam là nước nhiệt đới, có nhiều ánh nắng nên trẻ em không bị thiếu Vitamin D, do vậy rất nhiều phụ huynh chưa bổ sung thêm Vitamin D đúng cách cho trẻ.

Thông tin trên được Viện Y học ứng dụng Việt Nam đưa ra tại Hội thảo khoa học vai trò của Vitamin D3 và K2 trong việc cải thiện mật độ xương và tăng trưởng chiều cao ở trẻ em,” diễn ra ngày 6/11 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó giáo sư Nguyễn Thị Xuyên - Chủ tịch Hội Y học các nước Đông Nam Á, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho hay trẻ em trên Thế giới vẫn phải đối mặt với gánh nặng của suy dinh dưỡng trong đó phổ biến nhất là suy dinh dưỡng thấp còi với ước tính 149 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thấp còi. Đây cũng là dạng suy dinh dưỡng phổ biến nhất ở trẻ em Việt Nam và là một yếu tố ảnh hưởng đến tầm vóc của người Việt Nam khi trưởng thành.

Phó giáo sư Nguyễn Thị Xuyên phân tích một trong những nguyên nhân chính của trẻ em bị thấp còi là tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng được coi là “nạn đói tiềm ẩn” ở trẻ em. Trong số các vi chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng với sự phát triển thể chất của trẻ, không thể không kể đến vitamin D và vitamin K2 - bộ đôi vitamin được nhắc đến rất nhiều trong 5 năm gần đây như là yếu tố thúc đẩy quá trình khoáng hóa xương.

Việc cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng nói chung và hai loại vitamin trên là điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện, bao gồm sự phát triển của cơ bắp, xương, hệ thần kinh và các cơ quan nội tạng, tạo nền tảng vững chắc cho khả năng học tập, vận động và các hoạt động hàng ngày của trẻ. Vì vậy, hội thảo cung cấp các bằng chứng khoa học cũng như các khuyến nghị mới nhất và có tính ứng dụng cao đối với sự phát triển chiều cao tối ưu cho trẻ em Việt Nam.

Tiến sỹ Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam trình bày tại Hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiến sỹ Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam nhấn mạnh trẻ sơ sinh thiếu vitamin D3 thường gây ra hậu quả mắc các bệnh như còi xương, co giật do canxi trong máu thấp, tăng nguy cơ mắc các bệnh khác bao gồm tiểu đường.

Các biểu hiện thiếu vitamin D3 ở trẻ em bao gồm: trẻ thức giấc vào ban đêm và ra mồ hôi trộm dù trời không nóng. Với các bé thiếu dưỡng chất canxi thường chậm phát triển hơn so với bình thường rất nhiều, ba mẹ có thể theo dõi các mốc phát triển của trẻ qua từng giai đoạn. Đặc biệt việc thiếu vitamin D3 sẽ làm cho trẻ cảm thấy khó chịu và đau nhức khắp người.

Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho hay sự kết hợp vitamin K2 và vitamin D3 có thể hỗ trợ hấp thu canxi vào xương, từ đó giúp tăng cường mật độ xương, giảm nguy cơ loãng xương, gãy xương, đồng thời giảm tình trạng lắng đọng canxi tại các mạch máu, mô mềm giúp cải thiện sức khỏe xương và tăng trưởng chiều cao ở trẻ em. Bổ sung kết hợp hai loại vitamin trên đã được một số nghiên cứu chứng minh là có tác dụng đối với sự phát triển xương trẻ em tốt hơn so với việc bổ sung vitamin D3 đơn thuần.

Chia sẻ tại Hội thảo, Giáo sư Leon Schurgers - Phó Chủ tịch Khoa Hóa sinh tại Đại học Maastricht (Hà Lan) đồng thời là Chủ tịch hội đồng chỉ đạo khoa học về đảm bảo chất lượng phát hiện vitamin K trên toàn cầu chia sẻ Vitamin D3 giúp tăng cường hấp thụ canxi và phốt pho từ ruột non, cung cấp nguyên liệu cho quá trình khoáng hóa xương, giúp xương trẻ nhỏ phát triển chắc khỏe. Vitamin K2 có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển sức khỏe xương ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tăng cường quá trình khoáng hóa xương, giúp xương chắc khỏe và phát triển đúng cách.

Các chuyên gia tại Hội thảo khuyến nghị bổ sung đầy đủ vitamin D3 và vitamin K2 thông qua chế độ ăn uống hoặc thực phẩm bổ sung là cần thiết để duy trì sức khỏe xương khỏe mạnh đối với những đối tượng có nguy cơ như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai…/.