Căng thẳng thương mại giữa New Zealand và Canada liên quan sản phẩm sữa
Tranh cãi thương mại giữa New Zealand và Canada xoay quanh cơ chế phân bổ quyền tiếp cận ưu đãi vào thị trường sữa của Canada mà Ottawa dành cho các đối tác thương mại tham gia CPTPP.
Ngày 18/10, Chính phủ New Zealand thông báo nước này đã kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại kéo dài với Canada liên quan tới việc xuất khẩu các sản phẩm sữa.
New Zealand đã thông báo cho chính phủ Canada và các thành viên khác trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về việc Wellington đã kích hoạt cơ chế trên, theo đó yêu cầu Canada phải tiến hành đàm phán trong vòng 15 ngày tới.
Tranh cãi thương mại này xoay quanh cơ chế phân bổ quyền tiếp cận ưu đãi vào thị trường sữa của Canada mà Ottawa dành cho các đối tác thương mại tham gia CPTPP, một thỏa thuận đã có hiệu lực từ cuối tháng 12/2018.
Theo hệ thống quản lý nguồn cung sữa của Canada, nước này bảo vệ nông dân trong nước trước sự cạnh tranh từ nước ngoài bằng "bức tường" thuế quan cao, nhưng cho phép một số quyền tiếp cận đặc biệt theo cơ chế hạn ngạch thuế quan (TRQs).
Vào tháng 5/2022, New Zealand đã đệ đơn khiếu nại cáo buộc Ottawa không tuân thủ các cam kết trong CPTPP để cho phép các sản phẩm sữa vào thị trường Canada, quản lý hạn ngạch thuế quan không đúng cách.
Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay nhấn mạnh việc đối xử công bằng với các nhà xuất khẩu là một nguyên tắc cơ bản trong thương mại quốc tế và phù hợp với các quy tắc trong hiệp định CPTPP.
Với quy mô dân số chỉ hơn 5 triệu người, New Zealand được đánh giá là một cường quốc về sữa. Thống kê Chỉ số hiệu quả môi trường EPI được thực hiện trên 180 quốc gia cho thấy New Zealand lọt vào top 25 quốc gia có chất lượng môi trường tốt nhất.
Điều này giúp định vị New Zealand duy trì xếp hạng cao trong bản đồ sản xuất sữa toàn cầu và làm nên thương hiệu quốc gia cho đảo quốc ở khu vực Thái Bình Dương này./.