Cảng container Lạch Huyện sẽ có 8 bến đưa vào khai thác vào năm 2027

Khu bến cảng container Lạch Huyện tại thành phố Hải Phòng đến năm 2027 sẽ có 8 bến (từ bến 1-8) với tổng chiều dài 3.300m và năng lực thông qua hàng container đạt 6 triệu Teu.

Bốc xếp dỡ hàng hóa container tại một cảng biển Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Liên quan đến quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bến còn lại của cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Cảng Lạch Huyện), lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết các bến cảng container Lạch Huyện đến năm 2027 sẽ có 8 bến đưa vào khai thác

Cụ thể, tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu bến Cảng Lạch Huyện có chức năng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế, có các bến container cho tàu từ 6.000-18.000 Teu, bến tổng hợp, hàng rời cho tàu đến 100.000 tấn, bến hàng lỏng/khí cho tàu đến 150.000 tấn; bến khách cho tàu đến 225.000 GT.

Tại quy hoạch điều chỉnh chi tiết khu bến Cảng Lạch Huyện trong quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 1 giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, các bến cảng container thuộc khu bến Lạch Huyện (cảng biển Hải Phòng) được quy hoạch giai đoạn đến 2025 có 6 bến với tổng chiều dài từ 2.250-2.400m đáp ứng thông qua lượng hàng từ 2,2-2,7 triệu Teu; đến năm 2030 (bao gồm giai đoạn đến năm 2025) có 10-12 bến với tổng chiều dài từ 3.750-5.100m đáp ứng thông qua lượng hàng từ 5,5-6,1 triệu Teu.

Khu bến cảng container tại Lạch Huyện hiện đang được khai thác và triển khai đầu tư xây dựng 8 bến, trong đó đã khai thác từ năm 2018 bến số 1, số 2 với tổng chiều dài 750m, năng lực thông qua đạt khoảng 1,5 triệu Teu/năm; đang thi công xây dựng 4 bến số 3, số 4 và số 5, số 6 với tổng chiều dài 1.650m, năng lực thông qua đạt khoảng 3 triệu Teu/năm; đang triển khai thủ tục thi công bến số 7, số 8 với tổng chiều dài 900m, năng lực thông qua đạt khoảng 1,5 triệu Teu/năm. Các bến cảng từ bến số 3-8 sẽ lần lượt đưa vào khai thác từ năm 2024-2027.

“Như vậy, khu bến cảng container Lạch Huyện đến năm 2027 sẽ có 8 bến (từ bến 1-8) với tổng chiều dài 3.300m và năng lực thông qua hàng container đạt 6 triệu Teu được đầu tư, đưa vào khai thác theo đúng lộ trình quy hoạch được duyệt, đảm bảo năng lực đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa hiện nay và trong thời gian tới tại khu vực,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Khẳng định đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030 và sau khi điều chỉnh quy hoạch hệ thống cảng biển được phê duyệt, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển và phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gồm khu bến Lạch Huyện).

Lộ trình đầu tư các bến tiếp theo thuộc khu bến container Lạch Huyện sẽ tiếp tục được nghiên cứu, hoạch định cụ thể trong quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư khai thác cảng biển.

Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các địa phương đầu tư, đưa vào khai thác 296 bến cảng biển, đặc biệt các bến thuộc khu bến Lạch Huyện (Cảng biển Hải Phòng), luồng hàng hải vào khu bến Lạch Huyện được chú trọng đầu tư phát triển; các luồng hàng hải khác được đầu tư đồng bộ với các bến cảng biển, cơ bản đáp ứng năng lực vận tải, xuất khẩu hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước.

Quy hoạch khu bến cảng và cảng biển sẽ đảm bảo năng lực đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa hiện nay và trong thời gian tới. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đối với hoạt động logistics lĩnh vực hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt Đề án phát triển đội tàu vận tải biển của Việt Nam và ban hành Thông tư số 39/2023/TT-BGTVT ngày 25/12/2023 ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng, cầu, bến, phao neo, bốc dỡ container và lai dắt tại cảng biển Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Mặt khác, Bộ Giao thông Vận tải đã chú trọng tập trung triển khai thực hiện các dự án đầu tư, nâng cấp, cải tạo mở rộng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông để đảm bảo kết nối thuận tiện giữa các vùng, miền, giữa địa bàn tiêu thụ và đầu mối giao thông, góp phần phát triển kinh tế-xã hội./.