Cần sự đột phát về thể chế để mở đường cho phát triển giáo dục đại học
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng các trường không nên chỉ loay hoay tìm giải pháp để tồn tại, tăng trưởng đều đều mà phải làm sao để có sự bứt phá.
“Cần sự đột phá về mặt thể chế để mở đường cho phát triển giáo dục đại học” là kiến nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn với Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Hội thảo “Giáo dục 2023: Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học.”
Sự kiện do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức chiều nay, 5/11.
Không thể chỉ loay hoay tìm cách tồn tại
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định thể chế, chính sách điều chỉnh lĩnh vực giáo dục đại học còn có sự mâu thuẫn, thiếu thống nhất trong cách hiểu, vận dụng và hướng dẫn thi hành, đặc biệt là về thực hiện tự chủ đại học.
Khẳng định một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được đề cập trong Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng về Đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh chủ đề Hội thảo rất thiết thực và có tính thời sự cao, nhất là trong thời điểm các cấp, các cơ quan trung ương đang tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trong đó có giáo dục đại học.
“Vì vậy, việc đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân, kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong thực tế, từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt là bất cập về thể chế, chính sách để tạo điều kiện cho giáo dục đại học phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo trong đào tạo, cung cấp cho đất nước nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng đáp ứng tốt nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế,” Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.
Phát biểu tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học đã nêu thực trạng các tồn tại của giáo dục đại học như ngân sách đầu tư giảm, các trường phụ thuộc lớn vào học phí, cơ chế đặt hàng chưa hiệu quả, khó khăn đầu tư công, những thách thức trong thực hiện tự chủ đại học, rào cản trong nghiên cứu khoa học…
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, các ý kiến vẫn đang loay hoay trong việc làm thế nào để cơ sở giáo dục đại học tồn tại, đỡ nghèo, đỡ khổ, đỡ vất vả chứ chưa phải là làm thế nào để các trường bứt phá.
“Cứ loay hoay với làm thế nào để tồn tại thì tư duy bứt phá là rất khó,” Bộ trưởng nói.
Cần sự đột phá về thể chế
Khẳng định giáo dục đại học vẫn đang phát triển với số lượng trường, ngành đào tạo tăng, quy mô đào tạo tăng, chất lượng đội ngũ nâng lên, thứ hạng các đại học cải thiện trên trường quốc tế, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định tốc độ phát triển chậm, chưa có sự bứt phá như kỳ vọng.
“Sự nhích lên đều đều có thể tạm yên lòng nhưng cái chúng ta cần ở giáo dục đại học ở thời điểm này là sự bứt phát để góp phần đưa đất nước phát triển và thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình,” Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, với đại học công lập, muốn có sự cải thiện mang tính bứt phá thì vừa phải có sự huy động của xã hội, vừa phải có sự đầu tư mang tính bứt phá. Tiêu được tiền đầu tư như thế nào cũng là một vấn đề vì thực trạng có nhiều đại học không thể giải ngân, phải trả lại vốn đầu tư công. Cho rằng đầu tư ngân sách “đã hiếm có lại khó tiêu”, Bộ trưởng nhận định nguồn lực đầu tư, cách thức đầu tư như thế nào để tạo sự bứt phá của giáo dục đại học là vấn đề cần bàn.
[Các trường mong có nghị quyết riêng về giáo dục đại học]
Khẳng định tự chủ là thuộc tính của giáo dục đại học, là chuyện đương nhiên phải có của giáo dục đại học quốc tế nhưng lại đang là vấn đề thách thức ở Việt Nam với nhiều vướng mắc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần phải tạo hành lang pháp lý đồng bộ để có thể thực hiện tự chủ có chiều sâu, không vướng mắc.
“Cần phải tính đến làm một luật để sửa nhiều luật nhằm tránh chồng chéo. Nếu có thể, chúng ta đề xuất lấy tâm điểm là tự chủ đại học để rà soát xem cái gì là chồng chéo, cản trở thì sửa một lượt để tạo điều kiện cho sự phát triển đại học. Điều này là quan trọng, cần thiết và kho đó, mọi vướng mắc khác sẽ được tháo gỡ,” Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội thảo. Bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi Luật Giáo dục Đại học./.