Cân nhắc mở rộng phạm vi giao dịch bất động sản được công chứng

Góp ý về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc đối với đề xuất mở rộng phạm vi các giao dịch về bất động sản được công chứng không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Tiếp tục đợt 2 Kỳ họp thứ 7, ngày 25/6, Quốc hội đã dành buổi sáng để thảo luận về nhiều nội dung quan trọng của dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Bày tỏ sự thống nhất về việc cần thiết ban hành Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của tư pháp, song một số đại biểu Quốc hội cũng đề xuất ban soạn thảo lưu ý một số nội dung như: Cân nhắc đề xuất mở rộng phạm vi giao dịch về bất động sản được công chứng không phụ thuộc vào địa giới hành chính; cho phép thành lập văn phòng công chứng do 1 thành viên tại vùng sâu, vùng xa…

Cơ sở dữ liệu về bất động sản mới bắt đầu

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) cơ bản thống nhất với hồ sơ trình dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Tuy nhiên, đại biểu cũng đưa ra một số góp ý để hoàn thiện dự án luật như cân nhắc quy định về mô hình tổ chức của văn phòng công chứng.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, các văn phòng công chứng tư nhân ở Việt Nam hiện nay, do một số công chứng viên thành lập có thể có các công chứng viên hợp đồng, nhưng họ không thể chịu trách nhiệm pháp lý đối với các hoạt động của văn phòng công chứng.

Trong khi đó, hiện nay các địa phương được xem xét, quyết định việc chuyển giao các hợp đồng giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng nếu đủ điều kiện nên có thể chủ động trong việc đảm bảo phân bố các tổ chức hành nghề công chứng.

“Vì thế chỉ nên duy trì mô hình văn phòng công chứng hợp danh để đảm bảo trách nhiệm pháp lý của văn phòng đối với các cơ quan tổ chức và khách hàng của văn phòng công chứng,” đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh nói.

Về thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị ban soạn thảo cân nhắc đối với đề xuất mở rộng phạm vi các giao dịch về bất động sản được công chứng không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

“Đây là mục tiêu chúng ta hướng đến, nhưng nếu quy định ngay trong giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp với thực trạng của Việt Nam. Lý do bởi việc xây dựng cơ sở dữ liệu về bất động sản ở Việt Nam mới đang bắt đầu ở một số địa phương, tính chính xác của số liệu và thông tin liên quan cần có quá trình hoàn thiện, hạ tầng cơ sở về trang thiết bị không đồng đều giữa các địa phương trên cả nước,” đại biểu nói.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) đề nghị không giới hạn công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đề nghị cho phép công chứng ngoài trụ sở, bởi việc này sẽ bớt phiền hà cho người dân khi phải đến trụ sở để công chứng.

Góp ý thêm, đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thành phố Hải Phòng) cho biết hiện nay, các giao dịch hợp đồng phải công chứng còn được quy định rải rác ở các luật và các văn bản như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… Vì thế, luật chuyên ngành về công chứng cần có sự ghi nhận về những nội dung này để tạo sự đồng bộ, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật cũng như khẳng định chức năng và những lợi ích của công chứng.

“Do đó cần bổ sung quy định về các trường hợp phải công chứng và bổ sung trường hợp công chứng hồ sơ thành lập doanh nghiệp, điều lệ doanh nghiệp, các biên bản họp hội đồng quản trị, đại hội cổ đông, hội đồng thành viên trong doanh nghiệp là trường hợp phải công chứng trong dự thảo luật. Quy định này vừa đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, cũng phù hợp với thông lệ quốc tế về công chứng, điển hình là các nước phát triển,” đại biểu Lã Thanh Tân nói.

Thành lập văn phòng công chứng 1 thành viên ở vùng sâu

Một dung khác được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là việc thành lập văn phòng công chứng tại điều 20 của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Đại biểu Phạm Thúy Chinh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang) cho biết dự thảo luật đã quy định chi tiết, rõ ràng về hoạt động của văn phòng công chứng. Tuy vậy, đại biểu cũng đề nghị sửa khoản 1, khoản 2 điều 20 theo hướng: Văn phòng công chứng phải có từ 2 thành viên hợp danh trở lên, không có thành viên góp vốn.

Hội đồng thành viên bao gồm tất cả các thành viên hợp danh. Hội đồng thành viên quyết định toàn bộ hoạt động của văn phòng công chứng theo quy định của pháp luật và điều lệ. Hội đồng thành viên bầu Trưởng Văn phòng công chứng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc cho phép thành lập văn phòng công chứng do 1 thành viên tại vùng sâu, vùng xa. Với khu vực đô thị, đại biểu thống nhất với dự thảo có từ 2 công chứng viên trở lên.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tỉnh Bình Thuận) cũng đề nghị ban soạn thảo dự án luật cân nhắc, tính toán kỹ việc quy định loại hình tổ chức hành nghề công chứng, đặc biệt là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng quy định tại điều 20, dự án luật quy định văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại mô hình là công ty hợp danh.

"Tuy nhiên, quy định trên vẫn còn nhiều băn khoăn vì trên thực tế ở vùng sâu, vùng xa, những nơi có mật độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao thì có thể cho phép thành lập loại hình văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ là rất phù hợp," đại biểu Nguyễn Hữu Thông nêu quan điểm.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, đề xuất trên vừa thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương là xã hội hóa hoạt động công chứng; vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo sớm tiếp cận với lại dịch vụ công chứng mà không cần thiết phải đi xa để thực hiện nội dung này.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật; trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024./.