Cách nào để thu hút người dân từ bỏ xe cá nhân để chọn đi buýt?
Mặc dù là phương tiện vận tải công cộng chủ lực của thành phố, xe buýt Hà Nội vẫn đang gặp các rào cản về hạ tầng khiến nhiều người dân vẫn chưa mặn mà chọn làm loại hình đi lại thường xuyên.
Với việc hạ tầng không theo kịp sự phát triển của xe cá nhân, ùn tắc giao thông tại Thủ đô ngày càng gia tăng, do đó, thành phố Hà Nội không có cách nào giải bài toán này ngoài việc phát triển giao thông công cộng, trong đó có xe buýt.
Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia giao thông, doanh nghiệp vận hành buýt đã có những góp ý về chiến lược nâng thị phần, giải pháp để phát triển mạng lưới, chất lượng dịch vụ vận tải công công cộng nhằm phát triển bền vững.
Vận tải công cộng chiếm 30-35% là một thách thức
Tại buổi Tọa đàm: “Xe buýt Thủ đô cần làm gì để nâng cao chất lượng?" do Báo Giao thông tổ chức vào sáng 17/11, theo ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội (HPTC), hiện nay mạng lưới vận tải công cộng Thủ đô Hà Nội có 154 tuyến buýt, trong đó 130 tuyến trợ giá. Sản lượng chín tháng của năm nay ước đạt được trên 350 triệu lượt khách, tăng 58,9% so với cùng kỳ, đáp ứng tỷ lệ vận tải công cộng chiếm 19,5% so với nhu cầu.
Thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải đã tham mưu cho thành phố ban hành văn bản liên quan tới vận tải hành khách công cộng, từ bộ định mức đơn giá, xe chạy diesel, rà soát điều chỉnh mạng lưới và các cơ chế chính sách đã và đang triển khai. Trong Chuyển đổi Số cũng đang chuẩn bị thí điểm tháng liên thông với 23 tuyến và đẩy mạnh nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng phương tiện và nhà chờ xe buýt.
Mặc dù là phương tiện vận tải công cộng chủ lực của thành phố nhưng lãnh đạo HPTC thừa nhận tốc độ xe buýt chạy ngày càng chậm. Dẫn chứng, năm 2014, tốc độ của xe buýt là trên 18km/h nhưng năm 2018 xuống còn 14km/h. Mỗi năm tốc độ vận hành lại chậm đi 1km/h. Không rõ đến 2023 này liệu có chậm hơn hay không?
Ông Nghiêm Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội (HAPTA) cho biết theo Nghị quyết 48 của Chính phủ đặt ra đến 2025 vận tải hành khách công cộng chiếm 30-35%. Tuy nhiên, ông bày tỏ mục tiêu này là rất thách thức và rất cần có sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp vận tải buýt.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Nhật, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus cho rằng những mục tiêu trên có đạt được hay không còn phụ thuộc vào các bên và vai trò lớn là của Nhà nước.
Ông Nhật cũng nhấn mạnh để đạt được mục tiêu này, trong khi chờ cơ chế chính sách thì bản thân doanh nghiệp phải xác định nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ và sự đồng hành của cộng đồng bởi ai cũng nhận ra rằng cần sự phát triển của các phương tiện công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân.
Nhìn nhận nhiều người dân cũng đã từ bỏ xe cá nhân để chuyển sang đi buýt, theo Tổng Giám đốc Vinbus, đối tượng khách hàng rất tiềm năng nhưng làm thế nào để thu hút những khách hàng đó chuyển đổi thói quen. Khi đó, họ sẽ tự điều chỉnh các lợi ích từ thời gian sức khoẻ, tiền bạc để chuyển sang xe buýt.
“Yếu tố quan trọng nhất với khách hàng bây giờ không phải giá vé mà là thời gian và thái độ phục vụ khách hàng. Vấn đề cần có chiến lược, cách đi như thế nào để thu hút. Muốn xe buýt đi nhanh hơn, dịch vụ hấp dẫn hơn cần những ưu tiên về cơ chế chính sách như trợ giá, làn đường dành riêng... Đó là điều doanh nghiệp không tự chủ được,” ông Nhật nói.
Cần có làn đường riêng và bệ đỡ chính sách từ Nhà nước
Đưa ra giải pháp đầu tiên là có làn đường ưu tiên cho xe buýt, theo ông Nghiêm Quốc Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội, đoạn từ Ngã tư sở vào Hà Đông khoảng 5-6km. Những chỗ nào đường mặt cắt ngang trên 9m thì mạnh dạn mở đường dành riêng.
“Thành phố không cần mở toàn tuyến, chỗ nào hợp lý đủ đường thì mở. Việc dành đường ưu tiên như vậy có nhiều lợi ích, không chỉ dành cho xe buýt mà còn nhiều phương tiện khác như xe cứu thương, xe chữa cháy," ông Thắng góp ý.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị Hà Nội nên mở rộng thêm hình thức vận tải minibus (xe buýt cỡ nhỏ) để dễ phục vụ nhu cầu ở ngõ, phố nhỏ thuận lợi hơn.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Nhật, Tổng giám đốc Vinbus cho rằng nhân viên có đãi ngộ tương xứng sẽ giúp họ có tâm huyết với công việc hơn. Để họ vui vẻ, cần những chính sách đãi ngộ, giải quyết những vướng mắc trong vận hành, trong hoạt động hàng ngày. Có nhiều áp lực không phải do các tài xế, như tắc đường chẳng hạn.
Về giải pháp tổng thể, ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết đơn vị đang trình thành phố Hà Nội đề án sắp xếp hợp lý các điểm dừng đỗ; cùng với đề án tái cấu trúc mạng lưới (điều chỉnh 71 tuyến, nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ hành khách, nâng cao hiệu quả trợ giá); đưa thêm các loại hình vận tải công cộng khác như xe buýt nhỏ; triển khai thí điểm xe đạp công cộng và ứng dụng công nghệ tạo tiện dụng trong chuyển tuyến.
Với các bộ định mức, đơn giá trợ giá cho các doanh nghiệp vận hành buýt, ông Phương khẳng định trung tâm vẫn rà soát, đánh giá và ban hành. Hiện nay, đã có định mức đơn giá buýt điện, đơn giá cho buýt diesel...
Đối với thẻ vé, dự kiến từ 24/11, Hà Nội sẽ thí điểm thẻ vé liên thông, thẻ vé liên tuyến với 24 tuyến, trong đó sẽ có nhiều công nghệ mới được áp dụng như vào xe buýt nhanh BRT sẽ dùng đồng xu. Thẻ vé có thể kiểm soát được các tuyến buýt liên tuyến và việc này sẽ nhân rộng, từ đó cơ quan quản lý sẽ nắm được sản lượng chính xác từng tuyến và có biện pháp can thiệp chính sách tốt hơn.
Bên cạnh đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cũng trình thành phố điều chỉnh giá vé bởi 10 năm nay mọi chi phí đều tăng nhiều nhưng giá vé chưa điều chỉnh; cơ quan quản lý Nhà nước có những kênh giám sát trực tiếp, nhằm tăng chất lượng dịch vụ…
Ngoài ra trong đề án, Hà Nội cũng phấn đâu đến năm 2030 sẽ có 50-60% xe buýt sử dụng nhiên liệu xanh và điện và đến năm 2035 sẽ tăng lên 90%./.