Các thị trường châu Á đồng loạt đi xuống trong phiên chiều 8/7
Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,6% xuống 17.524,06 điểm và chỉ số Shanghai Composite giảm 0,9% xuống 2.922,45 điểm.
Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm
Các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên chiều 8/7. Tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,3% xuống 40.780,70 điểm, mặc dù dữ liệu chính thức cho thấy tiền lương thực tế giảm 1,4% trong tháng Năm so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ 26 liên tiếp do đồng yen suy yếu và giá hàng hóa tăng đẩy chi phí nhập khẩu lên.
Còn tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,6% xuống 17.524,06 điểm và chỉ số Shanghai Composite giảm 0,9% xuống 2.922,45 điểm, trong bối cảnh giới đầu tư đang kỳ vọng sẽ có thêm nhiều hỗ trợ chính sách từ các cuộc họp sắp tới của chính phủ.
Các số liệu mới nhất của Mỹ củng cố niềm tin của thị trường rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ đang chậm lại dưới sức nặng của lãi suất cao. Đây chính xác là điều mà các nhà đầu tư muốn thấy, vì kinh tế giảm tốc sẽ kiềm chế lạm phát và có thể buộc Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Còn tại Việt Nam, khép lại phiên này, chỉ số VN-Index tăng 0,52 điểm, hay 0,04%, lên 1.283,56 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index ghi thêm 0,85 điểm, hay 0,35%, lên 243,15 điểm.
Giá vàng giảm khi giới đầu tư chốt lời
Giá vàng giảm tại châu Á trong phiên chiều 8/7, do các nhà đầu tư chốt lời sau khi kim loại quý này chạm mức cao nhất hơn một tháng qua trong phiên giao dịch trước đó, nhờ kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào tháng Chín tăng lên.
Vào lúc 14 giờ 04 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 2.377,75 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 22/5 trong phiên trước. Giá vàng kỳ hạn giảm 0,5% xuống 2.385,50 USD.
Ông Kyle Rodda, nhà phân tích thị trường tài chính tại Capital.com, cho biết thị trường đang chứng kiến hoạt động chốt lời trong phiên này sau đợt khởi sắc trước đó nhờ số liệu việc làm mới nhất trong lĩnh vực phi nông nghiệp.
Theo Công cụ Fedwatch của CME, thị trường đang dự đoán 78% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Chín. Các nhà giao dịch cũng đang đánh cược vào khả năng Fed cắt giảm lãi suất lần thứ hai vào tháng 12. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, một tài sản không sinh lãi.
Tâm điểm của thị trường trong tuần này là phiên điều trần trước Quốc hội của Chủ tịch Fed Jerome Powell, bình luận từ các quan chức Fed và số liệu lạm phát của Mỹ.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,8% xuống 30,96 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 1,1% xuống 1.015,87 USD/ounce.
Còn tại Việt Nam, vào lúc 15 giờ 46 phút, Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 74,980 – 76,980 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Giá dầu đi xuống sau bốn tuần tăng liên tiếp
Giá dầu tại châu Á giảm trong phiên chiều 8/7 sau bốn tuần tăng liên tiếp, do triển vọng đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza giảm bớt căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, trong khi các nhà đầu tư đang đánh giá khả năng gián đoạn nguồn cung năng lượng của Mỹ do Bão nhiệt đới Beryl.
Vào lúc 13 giờ 46 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 36 xu Mỹ, tương đương 0,4%, xuống 86,18 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 45 xu Mỹ, tương đương 0,5%, xuống mức 82,71 USD/thùng.
Các cuộc đàm phán về kế hoạch ngừng bắn nhằm chấm dứt xung đột kéo dài chín tháng ở Gaza đang diễn ra. Ông Tony Sycamore, nhà phân tích của ngân hàng IG tại Sydney, cho biết một kết quả khả quan từ cuộc đàm phán này sẽ tạm thời loại bỏ một số yếu tố địa chính trị ra khỏi thị trường.
Trong khi đó, tại Mỹ, các cảng Corpus Christi, Houston, Galveston, Freeport và Texas City đã đóng cửa vào ngày 7/7 để chuẩn bị ứng phó các ảnh hưởng của cơn bão nhiệt đới Beryl, dự kiến đổ bộ vào giữa bờ biển Texas giữa Galveston và Corpus Christi vào cuối ngày 8/7.
Việc đóng cửa cảng có thể tạm thời dừng hoạt động xuất khẩu dầu thô và khí tự nhiên hóa lỏng, hoạt động vận chuyển dầu đến các nhà máy lọc dầu và giao nhiên liệu từ các nhà máy đó.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động ở Mỹ không thay đổi ở mức 479 giàn trong tuần trước, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021.
Giá dầu cũng được hỗ trợ vào tuần trước bởi những kỳ vọng về khả năng Fed cắt giảm lãi suất, sau khi dữ liệu mới đây của Mỹ cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt và tăng trưởng việc làm chậm lại. Lãi suất thấp hơn có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế và tăng nhu cầu dầu thô.
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi bất kỳ tác động nào từ các cuộc bầu cử ở Anh, Pháp và Iran trong tuần trước đối với tình hình địa chính trị và chính sách năng lượng./.