Các nước EU nhất trí một số biện pháp nhằm vào ngũ cốc và tài sản Nga

Các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí xúc tiến kế hoạch sử dụng lợi nhuận thu được từ tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga đang bị khối này phong tỏa để hỗ trợ Ukraine.

(Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 21/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết cơ quan này đang đề xuất tăng thuế đối với ngũ cốc của Nga và Belarus để bảo vệ nông dân châu Âu.

Đề xuất được đưa ra trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 21-22/3 tại Brussels (Bỉ).

Trước đó, EU đã đạt được thỏa thuận nhằm giới hạn một số mặt hàng nông sản miễn thuế nhập khẩu từ Ukraine vốn được triển khai nhằm hỗ trợ nước này khi cuộc xung đột bùng phát.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng quyết định của EU thiếu công bằng khi ngũ cốc Nga vẫn có thể tiếp cận không hạn chế vào thị trường EU trong khi các sản phẩm của Ukraine lại bị hạn chế.

Trước khi đề xuất mới được EC đưa ra, 5 quốc gia thuộc EU (Ba Lan, Cộng hòa Séc và 3 quốc gia vùng Baltic) đã cùng nhau kiến nghị yêu cầu cơ quan này áp đặt lệnh cấm hoàn toàn nhập khẩu ngũ cốc từ cả Nga và Belarus.

Theo quy định hiện hành của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các nông sản Nga được miễn thuế nhập khẩu tại thị trường EU.

Trước đây, EU thống nhất giảm thuế đối với hàng nhập khẩu của Ukraine nhằm hỗ trợ nền kinh tế nước này, đồng thời né tránh các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực nông nghiệp hoặc phân bón của Nga do lo ngại sẽ gây bất ổn cho thị trường ngũ cốc toàn cầu và làm suy yếu an ninh lương thực ở châu Á cũng như châu Phi.

Tuy nhiên, tác động của các biện pháp này khiến làn sóng biểu tình và phản đối của nông dân châu Âu ngày càng tăng, gây bất lợi cho các chính phủ trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vào tháng 6 tới.

Cũng trong cuộc họp ngày 21/3, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí xúc tiến kế hoạch sử dụng lợi nhuận thu được từ tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga đang bị khối này phong tỏa để hỗ trợ Ukraine.

Theo kế hoạch này, mỗi năm Kiev có thể nhận thêm khoản hỗ trợ trị giá 3 tỷ euro (3,3 tỷ USD). Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết khoản tiền này có thể được sử dụng để mua sắm các trang thiết bị quân sự cho Ukraine.

Bên cạnh cuộc xung đột Nga-Ukraine, các lãnh đạo EU cũng đã thảo luận về cách thức thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu và cuộc chiến ở Gaza, nhất trí kêu gọi “tạm dừng nhân đạo ngay lập tức” và cảnh báo Israel không nên tiến hành một chiến dịch trên bộ ở Rafah.

Các nhà lãnh đạo EU sẽ tiếp tục phiên họp ngày 22/3 với các nội dung thảo luận tập trung vào tình hình kinh tế, phối hợp chính sách và tương lai của liên minh thị trường vốn.

Trước thông tin trên, ngày 22/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết kế hoạch của EC áp thuế đối với nông sản Nga và Belarus sẽ tác động đến an ninh lương thực toàn cầu.

Chia sẻ trên mạng xã hội, bà Zakharova khẳng định các loại thuế sẽ chỉ khiến tình hình lương thực trên thế giới thêm khó khăn dù đã bị đẩy lên đến "điểm tới hạn"./.