Các "nữ tướng" của tỉnh Lâm Đồng đưa nông sản "xuất ngoại"

Những nữ doanh nhân trẻ tại tỉnh Lâm Đồng đã tạo ra những sản phẩm nông sản chất lượng, đưa thương hiệu địa phương "xuất ngoại."

Tuy tuổi đời còn khá trẻ nhưng nhiều nữ doanh nhân đã đưa các sản phẩm nông sản Lâm Đồng "xuất ngoại," góp phần khẳng định giá trị và thương hiệu của đặc sản địa phương trên thị trường quốc tế.

Bản Cacao của cô gái Tày

Bản Cacao là thương hiệu do chị Bế Thị Thu Huyền, người con thế hệ 9x của dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên tại vùng đất Cát Tiên (nay là huyện Đạ Huoai) gây dựng.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bản Cacao (thị trấn Phước Cát, huyện Đạ Huoai) ra đời năm 2023, tiền thân là Tổ hợp tác sản xuất chế biến cacao. Ban đầu chỉ là một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sau vài năm đã phát triển thành công ty với hệ thống máy móc hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất sản phẩm chất lượng phục vụ thị trường trong nước và quốc tế.

Công ty đã tận dụng tối đa các nguyên liệu tự nhiên sẵn có tại địa phương, giúp giảm chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đồng thời, việc sử dụng nguyên liệu địa phương tạo nên sản phẩm đặc trưng của vùng đất khô cằn Cát Tiên (địa danh trước đây) nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung.

Hiện nay, sản phẩm do công ty sản xuất đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố và sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, doanh nghiệp còn cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất trong nước và quốc tế, đặc biệt là thị trường châu Á. Cuối năm 2024 cũng là dấu mốc quan trọng khi công ty đã xuất khẩu ca cao sang thị trường Hàn Quốc khó tính.

Theo chị Bế Thị Thu Huyền, đơn hàng xuất khẩu là chocolate viên 100% nguyên chất và sử dụng 85% đường ăn kiêng. Đây là sản phẩm bảo vệ sức khỏe, cung cấp nhiều chất có lợi cho cơ thể nhưng không làm tăng cân, phù hợp với thị hiếu khách hàng Hàn Quốc.

Để xây dựng nguồn nguyên liệu bền vững, Công ty liên kết với nông dân địa phương ký kết hợp đồng thu mua cacao tươi. Đến nay, đơn vị đã có 15 hộ liên kết với diện tích 6ha cacao, canh tác theo những tiêu chí chặt chẽ đảm bảo chất lượng. Mùa cacao 2024, công ty thu mua trái tươi với giá ổn định trên 10.000 đồng/kg, giúp người nông dân có thu nhập từ cây cacao.

Chị Phạm Thị Ân, giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất thương mại Hồng Ân bên xưởng trồng nấm của đơn vị. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Theo ông Trần Văn Chương (xã Phước Cát 2, thành viên trong liên kết sản xuất với Công ty Bản Cacao), cây cacao cơ bản dễ chăm sóc, không đòi hỏi nhiều về nước tưới cũng như phân bón nên thích hợp với vùng đất khô cằn tại địa phương. Quá trình liên kết, phía công ty và ngành nông nghiệp cũng hỗ trợ nông dân về kỹ thuật và đầu ra sản phẩm. Do đó, người dân yên tâm canh tác.

Ngoài đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào, Công ty Bản Cacao không ngừng đầu tư nâng cấp và hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, áp dụng các công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu suất lao động.

Chị Bế Thị Thu Huyền cho biết doanh nghiệp không chỉ tập trung vào lợi nhuận mà còn chú trọng đến việc hỗ trợ cộng đồng thông qua việc tạo việc làm và đóng góp vào phát triển hạ tầng. Điều này giúp công ty nhận được sự ủng hộ và tin tưởng từ người dân địa phương để phát triển bền vững. Đồng thời, doanh nghiệp luôn tìm kiếm và thúc đẩy các cơ hội hợp tác với các tổ chức quốc tế, nhằm trao đổi kinh nghiệm và mở rộng thị trường.

Đưa nấm đóng lon "xuất ngoại"

Sau hơn 6 năm bén duyên với vùng đất cao nguyên Lâm Viên, nữ Giám đốc 9x Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất thương mại Hồng Ân (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) Phạm Thị Ân (quê Thanh Hóa) đã được trao tặng nhiều giải thưởng từ địa phương đến Trung ương. Không dừng lại ở thị trường nội địa, “nữ hoàng nấm” của vùng cao nguyên đã đóng lon nấm rơm để đưa sản phẩm ra nước ngoài.

Chị Ân chọn theo ngành nấm nhằm tăng giá trị đất sản xuất, nâng cao thu nhập, tránh độc hại và tạo ra sản phẩm có giá trị hơn so với nông sản khác. Từ một loại nấm linh chi những ngày đầu mới thành lập năm 2018, đến nay, công ty đã sản xuất, chế biến trên 50 loại nấm với nhiều sản phẩm khác nhau; trong đó, một số sản phẩm đã đạt OCOP 4 sao. Đặc biệt, nấm rơm ngâm muối đóng lon là sản phẩm mới ra mắt dịp cuối năm 2024.

Sau khi được chuyển giao công nghệ trên lý thuyết, chị Ân và cộng sự bắt tay vào thử nghiệm. Giai đoạn đầu, lon nấm liên tục bị bục, hư hỏng chỉ sau khoảng một tuần đóng hộp. Không bỏ cuộc, sau hơn 6 tháng nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, sản phẩm nấm rơm ngâm muối đóng lon ra đời vẫn giữ nguyên mùi vị như nấm tươi.

Với công nghệ chế biến đặc biệt giúp lon nấm có thể để được khoảng 3 năm trong điều kiện bình thường, rất phù hợp cho thị trường xuất khẩu.Tháng 11/2024, lô hàng 19.200 lon nấm rơm ngâm muối (hơn 8 tấn) đầu tiên của Công ty Hồng Ân đã được xuất khẩu đi Hoa Kỳ.

Trong tháng 12/2024, doanh nghiệp cũng xuất khẩu thêm 2 container sang Hoa Kỳ và Italy. Năm 2025, công ty đặt mục tiêu xuất khẩu sang các nước khác như Australia và Canada. Hiện, doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất mới, nhằm đạt năng suất 5 container nấm chế biến mỗi tháng để cung cấp cho thị trường xuất khẩu.

Công ty đã xây dựng trại nấm rộng 3.000m2 với mô hình hoàn toàn khép kín, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, HACCP, VIETGAP… Do đó dù mới hơn 6 năm thành lập nhưng Công ty Hồng Ân đã giành được Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 16 năm 2021, Chứng nhận đạt danh hiệu Top 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2024, gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu cụm Tây Nguyên năm 2021 do Tỉnh đoàn Lâm Đồng cấp, Bằng khen của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam năm 2021.

Chị Nguyễn Thị Huyền Trâm, Giám đốc điều hành của Công ty Dalahouse (huyện Đơn Dương) với sản phẩm bột rau củ sấy lạnh đã được xuất khẩu đi Mỹ và Hà Lan. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho phụ nữ

Tâm huyết với nông sản từ vựa rau của Lâm Đồng, chị Nguyễn Thị Huyền Trâm, Giám đốc điều hành của Công ty Dalahouse (huyện Đơn Dương) bắt đầu khởi nghiệp bằng rau sản vật địa phương. Thành lập từ năm 2017, công ty tập trung phát triển công nghệ chế biến sâu để tạo ra sản phẩm từ bột từ rau, củ sấy lạnh nguyên chất đầu tiên tại Việt Nam. Cuối năm 2022, Công ty Dalahouse đã chính thức đạt chứng nhận hữu cơ USDA và EU.

Hơn 7 năm hình thành và phát triển vùng nguyên liệu, hệ thống nhà xưởng đạt tiêu chuẩn quốc tế, doanh nghiệp đã và đang được khách hàng tin dùng sản phẩm bột rau, củ sấy lạnh. Sau khi chinh phục thị trường trong nước, tháng 10/2024, sản phẩm bột rau củ (gồm bột cần tây, bột rau má đậu xanh, bột rau má) tiếp tục được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Hoa Kỳ; mở ra cơ hội phát triển mới trên thị trường quốc tế.

Theo chị Huyền Trâm, việc xuất khẩu chính ngạch bột rau củ sẽ giúp nâng cao được chuỗi giá trị, đi sâu vào chế biến, sản xuất nông sản có giá trị cao giúp tạo đầu ra bền vững cho nông nghiệp tại địa phương. Sau lô hàng hơn 5.000 hộp bột rau củ xuất khẩu sang Hoa Kỳ, hiện đã có doanh nghiệp phía Hàn Quốc đến tận nhà máy và trang trại của công ty để tìm hiểu về sản phẩm. Đây sẽ là tiền đề để doanh nghiệp hiểu hơn về nhóm khách hàng quốc tế và có thể tiếp cận được nhiều thị trường hơn trong tương lai.

Theo bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đơn Dương, Dự án Dalahouse là mô hình tiêu biểu về khởi nghiệp của phụ nữ địa phương. Mô hình đã góp phần truyền cảm hứng khởi nghiệp cho các hội viên. Nhiều đoàn đã đến tham quan, học tập ý tưởng về sản xuất rau củ.

“Ngoài ra, công ty đã tạo công ăn việc làm cho lao động nữ tại địa phương và hỗ trợ nhiều hội viên tham gia chuỗi liên kết, hợp tác cung cấp nguyên liệu đầu vào cho phía doanh nghiệp sản xuất bột rau củ thành phẩm,” bà Nguyễn Thị Hà cho biết thêm.

Trước đó, Dự án “Dalahouse Farm & Food” của chị Nguyễn Thị Huyền Trâm đã đoạt giải Nhất Hội thi ý tưởng khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng tổ chức năm 2020; sau đó, đoạt giải Nhì trong Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc năm 2021 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế 2023 tổ chức tại Singapore tháng 10/2023, Công ty đã vinh dự được nhận giải thưởng “Doanh nghiệp/thương hiệu tiêu biểu châu Á 2023” do có thành tích xuất sắc trong hoạt động kinh tế-xã hội, đồng thời giúp giới thiệu hàng hóa, quảng bá thương hiệu địa phương./.