Các nhà trường tích cực chuẩn bị cho năm học đặc biệt 2024-2025
Trước thềm năm học mới, các trường nỗ lực chuẩn bị cơ sở vật chất, bồi dưỡng chuyên môn, đặc biệt là lên phương án sẵn sàng cho các kỳ thi đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chỉ còn một tuần nữa, năm học mới 2024-2025 sẽ chính thức bắt đầu. Hiện các cơ sở giáo dục đang tích cực hoàn tất các khâu chuẩn bị cuối cùng để cùng học sinh bước vào một năm học đặc biệt – năm khép kín chuỗi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018, khi ở năm học này, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai đồng loạt ở lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Đây cũng là sẽ là năm học diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp trung học phổ thông đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
Bồi dưỡng chuyên môn, củng cố cơ sở vật chất
Là giáo viên chuyên dạy lớp 5 nên năm học tới là năm đầu tiên cô Phạm Thị Hệ Ngân, giáo viên Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới dù chương trình đã được áp dụng trong các trường tiểu học từ năm học 2020-2021. Vì vậy, cô đã dành cả kỳ nghỉ hè để tìm hiểu và làm quen, học hỏi chương trình mới, cách dạy mới.
“Chương trình mới có rất nhiều điểm khác so với chương trình cũ nên ban đầu, tôi cũng có nhiều bỡ ngỡ, nhưng với sự hỗ trợ của nhà trường và đồng nghiệp đồng thời được học bồi dưỡng trong thời gian hè nên tôi đã tiếp cận khá thuận lợi và tự tin để có thể đứng lớp,” cô Hệ Ngân cho hay.
Nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên cũng là vấn đề được Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Nguyễn Siêu (Hà Nội) đặc biệt chú trọng trong dịp hè. Theo cô Nguyễn Thị Duyên - Phó Hiệu trưởng nhà trường, để chuẩn bị cho năm học mới, trường đã tổ chức các lớp tập huấn cả trực tiếp và trực tuyến cho giáo viên về phương pháp giảng dạy, chương trình học; kỹ năng quan sát, đánh giá hành vi học sinh, đặc biệt là với các thầy cô chủ nhiệm, để đánh giá các nguy cơ có thể xảy ra với học sinh.
Cũng theo cô Duyên, là trường ngoài công lập nên Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu tựu trường khá sớm, từ ngày 5/8. Thời gian nghỉ hè ngắn hơn trường công nên nhà trường phải tranh thủ từng giây từng phút trong hai tháng hè để cải tạo, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị.
Tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Lê Lợi (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), công tác rà soát, tu sửa cơ sở vật chất, lên kế hoạch giảng dạy cho năm học mới cũng đã được trường triển khai ngay từ đầu tháng Tám.
Theo cô Hiệu trưởng Trần Quang Huy, các thầy cô giáo và phụ huynh học sinh đã cùng phối hợp làm cỏ, quét mạng nhện, lau quạt, sắp xếp trang trí lại phòng học, phòng bộ môn, quang cảnh trường; rà soát lại hệ thống trang thiết bị, sắp xếp lại thư viện, phòng máy tính… Trường cũng đã xây dựng kế hoạch dạy học, phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, giáo viên, nhân viên, sẵn sàng chào đón năm học mới.
“Với nhà trường, năm nay là năm học đặc biệt khi trường sẽ kỷ niệm 60 năm thành lập, chào đón các thầy cô giáo và các thế hệ học sinh đã từng giảng dạy, công tác về thăm,” cô Huy nói.
Sẵn sàng cho các kỳ thi mới
Chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ diễn ra vào năm 2025 là điều các trường đặc biệt chú trọng trong chỉ đạo ngay từ đầu năm học.
Theo cô Nguyễn Thị Duyên, với lớp 12, trường đã tổ chức cuộc họp với cha mẹ học sinh để phổ biến về cách thức lựa chọn môn thi, hình thức thi năm 2025 để học sinh và cha mẹ học sinh chuẩn bị từ lựa chọn môn thi, hình thức xét tuyển vào đại học.
Trường cũng đổi mới trong cách dạy, kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận với đề thi minh họa Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 để học sinh làm quen sớm. “Chúng tôi cũng sẽ điều chỉnh về thời lượng của các bộ môn vào thời điểm cuối năm học khi học sinh lựa chọn môn thi để tăng cường hỗ trợ tốt nhất cho các em,” cô Duyên cho hay.
Cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức nhận định công tác chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025 vất vả hơn so với những năm trước vì phải xây dựng lại giáo án của lớp 12 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, đáp ứng yêu cầu của một kỳ thi với rất nhiều điểm mới, từ nội dung đến cách ra đề.
Cô Quỳnh cho hay trường đã yêu cầu các thầy cô giáo xây dựng bài giảng điện tử của lớp 12, dùng chung trong toàn khối, phân công nhiệm vụ xây dựng đề cương ôn tập, nhiệm vụ ra đề kiểm tra đánh giá định kỳ cho các giáo viên, lập đội ngũ thẩm định đề thi… Ngay từ học kỳ hai năm học 2023-2024, trường đã xây dựng các bài kiểm tra định kỳ theo định dạng đề thi minh hoạ Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố để học sinh làm quen.
“Trước kỳ thi tốt nghiệp với định dạng mới, học sinh được chọn môn, chúng tôi cũng sẽ phải tìm hiểu kỹ hơn xem học sinh của mình đang ở 'điểm rơi' nào để có giải pháp hỗ trợ học tập cho các em. Giáo viên cũng phải nắm bắt được năng lực của học sinh để tư vấn chọn môn cho các em đồng thời động viên tinh thần cho học sinh để các em yên tâm và không quá áp lực,” cô Bội Quỳnh nói.
Cũng theo cô Bội Quỳnh, với xu hướng đa dạng hóa phương thức xét tuyển đại học, năm học này, nhà trường sẽ tập trung dạy và ôn tập cho học sinh đáp ứng bài thi đánh giá năng lực. Bài thi này là tổng hòa của rất nhiều môn nên tất cả thầy cô giáo bộ môn phải cùng phối hợp. Trường dự kiến sẽ xây dựng các đề thi đánh giá năng lực tạm dùng cho học sinh của trường để các em tập dượt.
“Phải căng sức cho nhiều nhiệm vụ nên sẽ vô cùng khó khăn với nhà trường. Chúng tôi phải suy nghĩ rất nhiều và phải có sự thường xuyên phối hợp tất cả các thầy cô, sự đồng hành từ cha mẹ học sinh và đặc biệt là sự nỗ lực của chính bản thân các em học sinh,” cô Bội Quỳnh nói./.