Các đội V-League "méo mặt" với những hợp đồng ngoại binh "hớ" mùa giải 2024-2025

Mùa giải V-League mới đi qua được 1/4 chặng đường nhưng đã có những đội bóng phải thanh lý hợp đồng sớm với các ngoại binh - những cầu thủ không có đóng góp gì về chuyên môn cho câu lạc bộ chủ quản.

Hà Nội FC chọn "chia tay sớm, bớt đau khổ" với trường hợp của ngoại binh không đạt chất lượng là Keziah Veendorp. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Chỉ hai ngày sau khi thông báo quyết định thanh lý hợp đồng sớm với tiền vệ người Hà Lan Keziah Veendorp, đội bóng của Thủ đô là Hà Nội FC tiếp tục gây bất ngờ với người hâm mộ khi tung ra sân một đội hình "chấp Tây" (không tính trường hợp của trung vệ Việt kiều Mỹ là Kyle Colonna) trong cuộc tiếp đón đối thủ Hải Phòng ở vòng 7 V-League hôm 9/11 vừa qua.

Vậy chất lượng (hoặc mức độ phù hợp) của các ngoại binh tại Hà Nội FC đang gặp vấn đề gì mà khiến "thuyền trưởng" Lê Đức Tuấn phải gửi trọn niềm tin vào những cầu thủ nội? Đáng nói, đội bóng Thủ đô không phải đại diện duy nhất tại V-League tỏ ra "ngán ngẩm" với những bản hợp đồng ngoại binh ở mùa giải năm nay...

Ngoại binh... thừa cân, không có đóng góp chuyên môn

"Thảm họa" là cụm từ được nhiều cổ động viên sử dụng để mô tả bản hợp đồng của Hà Nội FC với ngoại binh Keziah Veendorp.

Cập bến đội bóng Thủ đô với bản CV "hoành tráng" khi được giới thiệu là cựu đội trưởng của tuyển U17 Hà Lan, từng dẫn dắt những ngôi sao của bóng đá châu Âu như Van De Beek, Stevie Bergwijn... lọt vào đến trận chung kết của Giải Vô địch U17 châu Âu năm 2014, Keziah khiến người hâm mộ Hà Nội FC "vỡ mộng" với 18 phút thi đấu không thể tệ hơn trong trận "Derby Thủ đô" với Thể Công-Viettel ở vòng 2 V-League.

"Keziah mang thể trạng của một cầu thủ... thừa cân. Ngoại binh này không đủ khả năng tranh chấp hay đua tốc độ với đối phương, khiến Hà Nội FC thi đấu như 'chấp' người trên sân. Khi có bóng, cầu thủ này cũng không giữ bóng, phối hợp được mà chỉ phất bóng lên trên cho các tiền đạo tự xử lý, làm phá vỡ lối chơi thiên về kiểm soát của Hà Nội FC," chuyên gia Phan Anh Tú, nguyên Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đánh giá.

Ngoại hình "đồ sộ" của tiền vệ Keziah khiến các cổ động viên của Hà Nội FC ngán ngẩm. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Chưa "đến nỗi" bị đội chủ quản thanh lý hợp đồng như Keziah, tuy nhiên một ngoại binh khác của Hà Nội FC là tiền đạo Augustine Chidi Kwem (Nigeria) cũng đang khiến các cổ động viên thất vọng khi chưa ghi được bàn thắng nào sau 3 lần ra sân, dù chân sút sinh năm 1997 này được gắn "mác" là tân binh đắt giá nhất V-League ở mùa giải năm nay (được Trang chuyển nhượng cầu thủ Tranfermarkt định giá lên tới 850.000 Euro - thời điểm tháng 8/2024).

Tiếp bước Hà Nội FC, Đương kim vô địch V-League là Thép Xanh Nam Định là đội thứ hai ở mùa giải năm nay thanh lý hợp đồng với một ngoại binh, và đó là trường hợp của tiền đạo Moses Odo (Nigeria).

Được kỳ vọng sẽ san sẻ gánh nặng ghi bàn với Hendrio và chân sút nhập tịch gốc Brazil Nguyễn Xuân Son (tên cũ là Rafaelson), tuy nhiên sau 3 trận đấu ở đấu trường AFC Champions League Two 2024-2025, đóng góp của ngoại binh Nigeria sinh năm 1997 này là con số không tròn trĩnh, buộc "Đội bóng thành Nam" phải cắt hợp đồng sớm 3 tháng.

Nam Định cũng thanh lý hợp đồng sớm với ngoại binh Moses Odo, chân sút sinh năm 1997 không có đóng góp gì sau 3 trận đấu. (Ảnh: thepxanhnamdinh)

Không chỉ có các "đại gia" mà một số đội bóng ở nửa dưới bảng xếp hạng cũng đang "dở khóc dở cười" với những hợp đồng ngoại binh: cổ động viên của Câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh ngán ngẩm với phong độ của "điệp viên 007" Sorga Erik - tuyển thủ Estonia đóng góp 0 bàn thắng - 0 đường kiến tạo sau 7 trận đấu; trong khi người hâm mộ của Sông Lam Nghệ An "méo mặt" với ngoại binh Sebastian Zaracho (Paraguay), trung vệ nhận thẻ đỏ ngay ở vòng đấu đầu tiên và chưa thể "vá" được hàng thủ của "Đội bóng xứ Nghệ" (nhận 7 bàn thua sau 7 vòng đấu)...

Chọn ngoại binh như chơi xé "túi mù"

Thực tế, ngoại binh "hàng hớ" không phải là hiện tượng hiếm gặp trong lịch sử V-League. Nổi tiếng nhất là trường hợp của Denilson Oliveira, cầu thủ Brazil từng đến với sân cỏ Việt Nam cùng hành trang là chức vô địch World Cup năm 2022 và sau đó nhanh chóng trở thành "bom xịt" của Câu lạc bộ Xi măng Hải Phòng hồi năm 2009.

Tuy nhiên những năm gần đây, khả năng... "hớ" của các ngoại binh trở nên khó lường hơn, khi nhiều bản hợp đồng từng thi đấu thành công ở mùa trước nhưng lại bất ngờ "xuống dốc" ở mùa bóng tiếp theo, khiến việc tuyển chọn ngoại binh trên thị trường như một trò chơi xé "túi mù" (blind box - loại hộp đựng sản phẩm được đóng gói kín mà người mua không được biết trước bên trong có gì).

Điển hình có thể kể đến trường hợp của tiền đạo Raphael Success từng đóng góp 5 bàn thắng và 3 kiến tạo trong hành trình vô địch V-League của Công an Hà Nội mùa giải 2023, nhưng ngay sau đó lại đóng vai "người vô hình" (chỉ có 1 kiến tạo) trong cả mùa bóng tiếp theo dưới màu áo Sông Lam Nghệ An; hay mới nhất là tiền đạo Atshimene Charles, cầu thủ mới có 1 bàn sau 7 trận cho Quảng Nam mùa này, dù từng chơi rất hay trong màu áo Bình Dương ở mùa giải năm ngoái với 9 pha lập công...

Raphael Success từng chơi rất hay trong màu áo Công an Hà Nội nhưng lại "mất tích" ở mùa giải tiếp theo thi đấu cho Sông Lam Nghệ An. (Ảnh: SLNA)

Theo huấn luyện viên Đặng Phương Nam, dù những đội có tài chính mạnh như Nam Định hoặc Công an Hà Nội sẽ ít có nguy cơ gặp rủi ro hơn khi ký hợp đồng với các ngoại binh, nhưng nhìn chung thị trường cầu thủ ngoại tại V-League vẫn là một cuộc chơi đầy may rủi.

"Nam Định thường chiêu mộ những ngoại binh đã khẳng định được chất lượng ở V-League như Rafaelson từ Bình Định hay Mpande từ Hải Phòng... vậy nên mức độ rủi ro sẽ thấp hơn. Tuy nhiên nhìn chung, tài chính mạnh chỉ là một trong hai yếu tố để có thể tuyển mộ được ngoại binh chất lượng, bên cạnh đó còn là sự may mắn, về khả năng thích nghi với môi trường bóng đá Việt Nam," chuyên gia Đặng Phương Nam nhận định.

Trong khi đó, với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác huấn luyện tại V-League, huấn luyện viên Phạm Minh Đức nêu quan điểm rằng các đội bóng vẫn nên ưu tiên những ngoại binh Brazil hoặc châu Phi hơn các cầu thủ đến từ châu Âu.

"Đa số cầu thủ châu Âu sẽ gặp khó khăn khi phải thích nghi với khí hậu Việt Nam. Do đó khi còn huấn luyện, tôi thường ưu tiên tuyển chọn tuyển thủ Brazil hoặc châu Phi, những cầu thủ có thể chất tốt và phù hợp với môi trường bóng đá V-League hơn," huấn luyện viên Phạm Minh Đức nhấn mạnh./.