Các chủ hàng lâm vào thế khó khi ký hợp đồng vận tải biển
Mức chênh lệch giữa cước phí đường biển giao ngay và cước phí theo hợp đồng dài hạn đang rất lớn nên các chủ hàng chần chừ trước khi đặt bút ký hợp đồng.
Tháng Ba và tháng Tư là những tháng rất quan trọng đối với những hãng tàu muốn ký hợp đồng vận tải biển cả năm với khách hàng, trong đó có các nhà bán lẻ lớn nhất thế giới.
Nhưng trong mùa hợp đồng năm nay, các chủ hàng đang cố trì hoãn để đợi thời cơ thuận lợi hơn.
Mức chênh lệch 2.500 USD giữa cước phí đường biển giao ngay và cước phí theo hợp đồng dài hạn cho các container vận chuyển hàng hóa từ châu Á sang Bờ Tây nước Mỹ là mức cao nhất kể từ tháng 9/2021- thời điểm mức chênh lệch là 2.900 USD.
Tình hình này đang khiến các chủ hàng chần chừ trước khi đặt bút ký hợp đồng. Các hãng tàu muốn ký ở mức giá giao ngay vốn đang tăng cao do căng thẳng ở Biển Đỏ, trong khi các chủ hàng lại muốn chờ cho giá giảm.
Các hãng tàu đã không thể tăng cước vào giữa tháng Ba vừa qua, và dự đoán cước phí tăng trong tháng Tư cũng đang dần lùi xa vì nhu cầu thấp.
Ông Christian Roeloffs, đồng sáng lập và giám đốc điều hành nền tảng cho thuê và mua bán container Container xChange, nhận định thị trường đang có sự khác biệt lớn giữa kỳ vọng giá của người bán và người mua.
Tuy nhiên, ông Peter Sand, chuyên gia phân tích của công ty Xeneta, cho biết thời gian đang đứng về phía các hãng tàu, vì đến cuối tháng Tư, tất cả các hợp đồng được ký năm ngoái sẽ hết hạn. Khi đó, các chủ hàng sẽ phải gửi hàng theo cước phí giao ngay, mà giá giao ngay ở thời điểm hiện tại không phải là một phương án tốt.
Ông Sande cho rằng các chủ hàng có thể quản lý cước phí thông qua điều khoản về thời hạn hợp đồng, hay các điều khoản về tái đàm phán cước phí./.