Các chỉ số chứng khoán Mỹ tiếp tục "hụt hơi," giảm phiên thứ năm liên tiếp
Chứng khoán Mỹ chốt phiên đầu năm giảm điểm với các chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite ghi nhận phiên đi xuống thứ năm liên tiếp, đợt mất điểm dài nhất kể từ tháng 4/2024.
Trong phiên giao dịch đầu tiên của Năm mới, chứng khoán Mỹ tiếp tục xu hướng giảm từ cuối năm 2024, trong khi đồng USD đạt mức cao nhất trong hai năm sau khi số liệu kinh tế cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn ổn định.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 2/1 giảm điểm sau khi để mất động lực vào đầu phiên, với chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite ghi nhận phiên giảm thứ năm liên tiếp, đợt mất điểm dài nhất kể từ tháng 4/2024.
Chỉ số Dow Jones giảm 151,95 điểm, hay 0,36%, xuống 42.392,27 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 13,08 điểm, hay 0,22%, xuống 5.868,55 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 30 điểm, hay 0,16%, xuống 19.280,79 điểm.
Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng là 211.000 vào tuần trước, dưới mức ước tính 222.000 của các nhà kinh tế được Reuters thăm dò.
Nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Globalt Investments ở Atlanta, Keith Buchanan, cho rằng thị trường lao động có khả năng phục hồi đáng kinh ngạc và điều này sẽ tiếp tục.
Nhìn chung, thị trường lao động thực sự là yếu tố thúc đẩy tiêu dùng, góp phần giữ vững nền kinh tế trong cuộc chiến chống lạm phát trong ba năm qua.
Đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong hai năm trong phiên này, tiếp tục đà tăng trong năm 2024, nhờ các dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ vượt xa các nước khác, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải cắt giảm lãi suất chậm hơn.
Chỉ số USD, đo lường giá trị của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ bao gồm đồng yen và đồng euro, tăng lên 109,54, mức cao nhất kể từ ngày 10/11/2022.
Tại Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch 2/1, chỉ số VN-Index tăng 2,93 điểm lên 1.269,71 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index tăng 0,26 điểm lên 227,69 điểm./.