Bridgestone Việt Nam đạt chứng nhận ISCC về bền vững carbon
Thành tựu này nâng tổng số nhà máy lốp của Bridgestone đạt chứng nhận ISCC PLUS trên toàn cầu lên 16, thể hiện cam kết mạnh mẽ với trách nhiệm môi trường tại nhiều khu vực.
Mới đây, Nhà máy sản xuất lốp xe của Bridgestone tại Việt Nam vừa đạt chứng nhận ISCC – một tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững và kiểm soát khí thải carbon.
ISCC (International Sustainability and Carbon Certification) là chứng nhận ghi nhận khả năng truy xuất nguồn gốc và tính minh bạch trong việc sử dụng các nguyên liệu thay thế như vật liệu sinh học, vật liệu tái chế và tái tạo. Đây là bước quan trọng góp phần thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn và sinh học trong ngành sản xuất.
Với sự tham gia của hai nhà máy mới, Bridgestone hiện có tổng cộng 16 nhà máy sản xuất lốp trên toàn cầu đạt chứng nhận ISCC PLUS.
Theo định hướng phát triển dài hạn đến năm 2050, Bridgestone đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp cung cấp giải pháp bền vững, đồng thời trung hòa carbon và ứng dụng rộng rãi vật liệu tái tạo trong toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất – từ nguyên liệu, tiêu dùng đến tái chế.
Bridgestone cũng đặt mục tiêu sử dụng 100% vật liệu bền vững trong tương lai. Việc đạt chứng nhận ISCC PLUS sẽ giúp hãng tăng tốc áp dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường và nâng cao Chỉ số Tuần hoàn Vật liệu (Material Circularity Number - MCN).
Ông Seigo Hata, Phó Chủ tịch phụ trách Tiếp thị, Bán hàng và Hoạt động bền vững khu vực BSAPIC chia sẻ:“Việc hai nhà máy tại Đài Loan và Việt Nam đạt chứng nhận ISCC PLUS là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển bền vững của Bridgestone. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của chúng tôi trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và trung hòa carbon trong toàn bộ hoạt động.”
Vị lãnh đạo này cũng nhấn mạnh rằng Bridgestone sẽ tiếp tục tích hợp nhiều vật liệu tái chế và tái tạo hơn vào sản phẩm, đồng thời nâng cao tính minh bạch trong chuỗi cung ứng.
Với cam kết “Sinh thái” trong chiến lược E8, Bridgestone hướng đến mục tiêu không ngừng thúc đẩy nỗ lực hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn trên toàn bộ chuỗi giá trị và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, đồng thời thúc đẩy công nghệ sản xuất lốp và các giải pháp bền vững để bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai./.