Bộ Y tế: Tăng cường công tác phòng chống ngộ độc do botulinum

Bộ Y tế đề nghị cơ quan chức năng cần đình chỉ ngay hoạt động của các cơ sở gây ra ngộ độc nêu trên, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các hộ kinh doanh trên địa bàn không bảo đảm điều kiện.

Thuốc giải độc BAT được sử dụng để điều trị ngộ độc Botulinum. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 25/5, theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đơn vị này đã có văn bản gửi Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh về việc tăng cường giám sát ngộ độc thực phẩm liên quan đến các vụ ngộ độc do thực phẩm do độc tố clostridium botulinum xảy ra tại thành phố Thủ Đức gần đây.

Cục An toàn thực phẩm đề nghị Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai phối hợp với các Bệnh viện (Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Chợ Rẫy) theo dõi sát diễn biến tình trạng bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện.

[WHO gửi khẩn thuốc hiếm cứu bệnh nhân ngộ độc botulinum tại Việt Nam]

Các đơn vị có liên quan tổ chức điều tra, xác minh nguồn gốc thực phẩm, nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc để có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa không để các trường hợp ngộ độc tương tự xảy ra; tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, ngăn chặn kịp thời các cơ sở kinh doanh, sản xuất giò chả không đảm bảo an toàn có nguy cơ phát sinh lây nhiễm Clostridium botulinum.

Cơ quan chức năng cần đình chỉ ngay hoạt động của các cơ sở gây ra ngộ độc nêu trên cũng như các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ kinh doanh trên địa bàn không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc.

Đặc biệt, tăng cường thông tin, giáo dục cho người dân không sử dụng những sản phẩm giò chả không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các hộ kinh doanh các biện pháp vệ sinh, bao gói sản phẩm, hạn chế sử dụng thiết bị đóng túi hút chân không tạo điều kiện môi trường yếm khí thuận lợi cho Clostridium botulinum phát triển.

Cục An toàn Thực phẩm cũng đề nghị sở y tế các tỉnh/thành phố, ban quản lý an toàn thực phẩm một số tỉnh/thành phố chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc xảy ra./.

T.G (Vietnam+)