Bộ Y tế đề xuất Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết cấm thuốc lá mới
Bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho hay thuốc lá điện tử, thuốc lá mới diễn ra phổ biến, tăng nhanh ở mức đáng báo động, có trong cả giới trẻ, trẻ em gái.
Trước những hệ lụy rất lớn của thuốc lá mới, Bộ Y tế sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng trình Chính phủ, trình Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cấm thuốc lá thế hệ mới vì những hệ lụy sức khỏe với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ hiện nay.
Bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đã cho biết như vậy tại Hội thảo cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá mới diễn ra ngày 22/3, tại Hà Nội.
Tăng nhanh ở mức báo động
Bà Đinh Thị Thu Thủy cho hay: “Thuốc lá điện tử, thuốc lá mới diễn ra phổ biến, tăng nhanh ở mức đáng báo động, có trong cả giới trẻ, trẻ em gái. Nhà nước có nhiều biện pháp quản lý, xử lý hành vi buôn lậu nhưng thực tế tình trạng này vẫn đang diễn ra. Ngành công nghiệp thuốc lá đang tuyên truyền coi là tốt hơn sức khỏe so với thuốc lá điếu, trong khi cơ chế vận hành, tác hại với sức khỏe của thuốc lá thế hệ mới không thật sự tốt hơn so với thuốc lá truyền thống.”
Bên cạnh đó, việc cho phép sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới sẽ đi ngược lại với cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá, mục tiêu của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 và các Kế hoạch, chiến lược về nâng cao sức khỏe tại Việt Nam. Nếu cho phép thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng sẽ làm gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt là thanh thiếu niên.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), việc thu thuế từ thuốc lá điện tử mang lại cho Nhà nước không đáng kể nếu tính toán, so với chi phí gánh nặng bệnh tật, suy giảm phát triển kinh tế do sức khỏe người dân bị giảm sút, suy giảm chất lượng dân số, giống nòi, môi trường, nguồn lực nhà nước phải đầu tư cho y tế, môi trường...
"Trong khi đó, Bộ Y tế đứng trên quan điểm là bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, lấy lợi ích của người dân làm trung tâm và bảo đảm phát triển bền vững của đất nước liên quan đến sức khỏe và môi trường. Chúng tôi sẽ đề xuất các chính sách dựa trên các bằng chứng khoa học," bà Thủy nhấn mạnh.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ hút thuốc lá điện tử (tỷ lệ chung) năm 2020 tăng 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%). Đối tượng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15-24 tuổi với tỷ lệ là 7,3%, sau đó là nhóm tuổi 25-44 tuổi (3,2%).
Năm 2023, Trường Đại học Y tế Công cộng đã có một khảo sát khối học sinh từ lớp 6 đến 12 ở 11 tỉnh, thành phố cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới trưởng thành (trên 15 tuổi) giảm trung bình 0,5%/năm.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong thanh thiếu niên giảm, đặc biệt ở trong nhóm tuổi từ 13 đến 17 tuổi (giảm 50%) là kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong giới trẻ.
Đáng lưu ý khi việc sử dụng thuốc lá điện tử vẫn tập trung cao ở nhóm tuổi trẻ 15-24 tuổi với tỉ lệ là 7,3%; nhóm tuổi 25-44 tuổi là 3,2%; nhóm tuổi 45-64 tuổi là 1,4%.
Có thể dẫn tới xu hướng lạm dụng hóa chất
Theo bà Thủy, thời gian qua các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp như truyền thông về tác hại của thuốc lá mới, xử lý hành vi buôn lậu, buôn bán thuốc lá mới nhưng tình trạng mua bán thuốc lá mới vẫn đang diễn ra. Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công thương, Bộ Tài chính cũng đang đề xuất các biện pháp quản lý.
Thạc sĩ Nguyễn Thị An - Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết nhằm hướng tới giới trẻ, thuốc lá điện tử được thiết kế kiểu dáng giống đồ dùng như cái bút, usb, thỏi son môi, hộp sữa, đồ chơi… Sản phẩm có thể có nhiều tính năng như phát sáng, nghe nhạc… Tại Việt Nam, thuốc lá điện tử là hàng lậu nhưng lại được bày bán công khai, cửa hàng thiết kế rất đẹp, có chương trình khuyến mại, dùng thử các sản phẩm, thậm chí bán ngay trên vỉa hè, khu chung cư…
Theo bà An, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong thanh thiếu niên Việt Nam đã gia tăng trong những năm gần đây, đặc biệt ở học sinh nữ. Do vậy, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp kiểm soát thị trường, đẩy mạnh thực thi và tăng cường các quy định về chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm này.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết thuốc lá điện tử mở đầu cho xu hướng mới lạm dụng hóa chất nhân tạo, con người đang tự hủy hoại chính mình. Có nhiều nhóm nguy cơ khi sử dụng thuốc lá điện tử, điển hình như là hàm lượng nicotine trong thuốc lá điện tử cao hơn thuốc lá thông thường.
“Ước tính cứ 1 người bỏ được thuốc lá khi dùng thuốc lá điện tử thì có thêm 80 trẻ vị thành niên nghiện nicotine (một nghiên cứu trên thế giới năm 2018). Thuốc lá điện tử làm tăng số người nghiện lên hàng chục lần, chứ không giống như quảng cáo giúp cai nghiện thuốc lá. Nicotine quá độc, thậm chí không còn sử dụng trên thuốc trừ sâu, vậy tại sao lại sử dụng trên con người," bác sĩ Nguyên chỉ rõ.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới cho hay theo khuyến cáo của WHO, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới rất độc hại, cả tác hại lâu dài và ngay trước mắt. Nếu không được ngăn chặn hiệu quả, sẽ có nguy cơ cao tạo ra một thế hệ trẻ nghiện nicotine và nhấn chìm những kết quả của phòng, chống tác hại thuốc lá trong những năm gần đây.
“Hiện tại, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm lậu được bán khá tràn lan và việc thực thi rất yếu. Việc duy trì tình trạng như hiện nay sẽ dẫn tới tình trạng sử dụng tiếp tục tăng nhanh trong giới trẻ,” bác sĩ Lâm phân tích.
Do đó, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm cũng khuyến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nicotine, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, cũng như cấm quảng cáo và khuyến mãi các sản phẩm này ở Việt Nam./.