Bộ Xây dựng: Sẽ hoàn thành gần 900km đường cao tốc trong năm 2025
Theo kế hoạch trong năm 2025, các dự án đường cao tốc sẽ hoàn thành gần 900km, nên các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đang nỗ lực tăng tốc thi công để đạt tiến độ đề ra.
Bộ Xây dựng tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu các chủ đầu tư/ban quản lý dự án đẩy nhanh thi công đồng thời kiểm soát chặt chẽ tiến độ với các dự án giao thông trọng điểm có kế hoạch hoàn thành trong năm nay.
Có hơn 200km cao tốc hoàn thành dịp 19/8 tới
Thông tin tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 của Bộ Xây dựng chiều 7/7, theo báo cáo của Cục Kinh tế-Quản lý đầu tư xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2025, Bộ Xây dựng đã phê duyệt Dự án mở rộng cao tốc Cam Lộ-La Sơn; khởi công 8 dự án gồm: cầu đường sắt Cẩm Lý tuyến đường sắt Kép-Hạ Long, nâng cấp, mở rộng một số cầu, hầm trên Quốc lộ 1 (các cầu Xương Giang, Gianh, Quán Hàu và hầm Đèo Ngang); mở rộng đường bộ cao tốc đoạn Cao Bồ-Mai Sơn; tuyến nối cao tốc Nội Bài-Lào Cai với cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ; tuyến Chợ Mới-Bắc Kạn; Quốc lộ 46 đoạn thành phố Vinh- thị trấn Nam Đàn; Dự án mở rộng cao tốc đoạn La Sơn-Hòa Liên; Dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ, giai đoạn 2.
Còn 4 dự án dự kiến sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2024 gồm: đầu tư hoàn thiện hầm Thần Vũ; đầu tư hoàn thiện hầm Cù Mông; hoàn thiện hầm Núi Vung; nâng cấp tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình thành đường cao tốc trên địa phận tỉnh Hưng Yên và đến hết nút giao Thái Hà vẫn chưa phê duyệt chủ trương đầu tư.
Ngoài ra, Dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận đang hoàn chỉnh các thủ tục để phê duyệt dự án. Các dự án xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên Quốc lộ 37B; Dự án đường cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh giai đoạn 1; Dự án mở rộng cao tốc Cam Lộ-La Sơn đang hoàn chỉnh các thủ tục để khởi công trong năm nay.
“Theo kế hoạch trong năm 2025 sẽ hoàn thành khoảng 889km (17 dự án/dự án thành phần) do Bộ Xây dựng làm cơ quan chủ quản. Đến nay đã đưa vào khai thác tuyến chính 3 dự án thành phần cao tốc (Bãi Vọt-Hàm Nghi, Hàm Nghi-Vũng Áng, Bùng-Vạn Ninh) và hoàn thành 70/83,35km Dự án Vân Phong-Nha Trang dịp 30/4/2025. Dự kiến, đến ngày 19/8/2025, sẽ hoàn thành một số đoạn tuyến chính của 6 dự án thành phần với tổng chiều dài khoảng 208km, thông xe dự án Hòa Liên-Túy Loan và đến tháng 12/2025 sẽ phấn đấu hoàn thành toàn bộ các dự án thành phần còn lại,” ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Kinh tế-Quản lý đầu tư xây dựng cho biết.

Hiện, có 6 dự án/dự án thành phần có tiến độ cơ bản đáp ứng yêu cầu; 7 dự án có tiến độ chậm so với kế hoạch gồm: Vũng Áng-Bùng và Vạn Ninh-Cam Lộ, Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, Chí Thạnh-Vân Phong, Lộ Tẻ-Rạch Sỏi và đặc biệt 2 dự án Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau.
Về đầu tư hệ thống giao thông thông minh (ITS), trạm thu phí, kiểm tra tải trọng xe tại các dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông, theo ông Tiến, các ban quản lý dự án triển khai thực hiện đều chậm tiến độ so với chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Kiểm soát chặt chẽ tiến độ thi công
Đưa ra nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm nay, lãnh đạo Cục Kinh tế-quản lý đầu tư xây dựng cho hay tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu các chủ đầu tư/ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan hoàn chỉnh các thủ tục để sớm phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, khởi công và hoàn thành các dự án đảm bảo tiến độ yêu cầu; đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ tiến độ thi công các dự án có kế hoạch hoàn thành tháng 9/2025.
Cục sẽ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt trong công tác chuẩn bị đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng và Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam đảm bảo tiến độ khởi công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương về xây dựng thể chế phân cấp phân quyền, phía Cục Kinh tế-quản lý đầu tư xây dựng đánh giá thực tiễn triển khai cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức về năng lực tổ chức thực hiện của các cấp tại địa phương (một số địa phương có thể gặp lúng túng khi tiếp nhận thêm nhiệm vụ nhưng chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ về nhân lực, quy trình, nghiệp vụ; cán bộ chuyên môn về quản lý xây dựng, quy hoạch, thẩm định,… còn thiếu và yếu, nhất là ở cấp xã; việc phối hợp, liên thông giữa các cơ quan, đơn vị chưa có quy trình cụ thể,…)
Để phát huy được hiệu quả của việc phân cấp, phân quyền, Cục sẽ tham mưu Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu, rà soát sửa đổi tổng thể Luật Xây dựng bắt đầu từ quý 3/2025 trong đó đề xuất cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách phù hợp với chủ trương về phân cấp, phân quyền và chính quyền địa phương hai cấp; nghiên cứu, xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Đường sắt 2025 về thiết kế kỹ thuật tổng thể cho các dự án đường sắt và các Nghị định hướng dẫn Luật Xây dựng sửa đổi; hoàn thiện Thông tư hướng dẫn về cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, bảo trì công trình để phù hợp với thực tiễn.

Cục Kinh tế-quản lý đầu tư xây dựng thiết lập cơ chế hậu kiểm chặt chẽ, đảm bảo xác định rõ trách nhiệm đến từng cá nhân, tổ chức trong từng khâu, từng bước trong quản lý đầu tư xây dựng, kịp thời phát hiện để ngăn chặn, chấn chỉnh đối với các vi phạm có thể xảy ra; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các vi phạm trật tự xây dựng hoặc buông lỏng quản lý.
Cục Kinh tế-quản lý đầu tư xây dựng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng; tiếp tục rà soát các thành phần hồ sơ có thể thay thế được bằng dữ liệu để cắt giảm giấy tờ và chi phí tuân thủ và đơn giản hoá thủ tục cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng, tạo lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng trên môi trường số nhằm tăng cường công khai, minh bạch và giám sát của nhân dân.
Cơ quan này cũng cam kết rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tổ chức xác định, ban hành kịp thời định mức, giá xây dựng cho các công nghệ mới, vật liệu mới; các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng…/.