Bộ trưởng Trần Văn Sơn: Tăng trưởng GDP vượt kịch bản tại Nghị quyết 01
Theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, tăng trưởng GDP quý 2 phục hồi mạnh, đạt 6,93%. Lũy kế 6 tháng đạt 6,42%, cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2023 (3,84%) và vượt kịch bản tại Nghị quyết 01 (5,5-6%).
“Trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế nhìn chung đã phục hồi trở lại như trước đại dịch COVID-19 và tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước; tính chung 6 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực,”
Thông tin trên được Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đưa ra tại phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 6/7, tại Hà Nội.
Tăng trưởng đều cả 3 khu vực
Theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, tăng trưởng GDP quý 2 phục hồi mạnh, đạt 6,93%, tính chung 6 tháng đạt 6,42%, cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2023 (3,84%) và vượt kịch bản tại Nghị quyết 01 (5,5-6%). Đáng chú ý, cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều tăng trưởng tốt (nông nghiệp tăng 3,38%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%; dịch vụ tăng 6,64%).
Đưa thêm thông tin, Bộ trưởng nhấn mạnh, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 4,08% (lạm phát cơ bản tăng 2,75%). An ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo đạt trên 4,6 triệu tấn, kim ngạch gần 3 tỷ USD, tăng lần lượt 10,4% và 32% so với cùng kỳ); cơ bản bảo đảm cân đối cung cầu lao động.
Cùng với đó, xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Tính chung 6 tháng xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17%; xuất siêu 11,63 tỷ USD.
Bộ trưởng cho hay, các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng tăng 8,6%. Số lượt khách quốc tế 6 tháng đạt trên 8,8 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ 2023 và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 (trước dịch COVID-19).
“Tình hình tài chính, ngân sách tiếp tục được cải thiện rõ nét. Tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đạt 60% dự toán năm, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát tốt, thấp hơn nhiều giới hạn quy định,” Bộ trưởng nói.
Trong nửa đầu năm, đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý II tăng 7,5%; tính chung 6 tháng tăng 6,8% (Trong đó vốn đầu tư của khu vực Nhà nước tăng 4,8%; khu vực ngoài nhà nước tăng 6,7%, khu vực FDI tăng 10,3%). Giải ngân vốn đầu tư công đạt 29,39% kế hoạch. Thu hút FDI 6 tháng đạt 15,19 tỷ USD, tăng 13,1%; vốn FDI thực hiện đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% (cao nhất 5 năm qua).
Điểm nổi bật là phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tăng. Tính chung 6 tháng có 80.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 6,1% và 39.100 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Triển khai hiệu quả tăng thu, tiết kiệm chi, cơ cấu lại đầu tư công để có khoảng 700.000 tỷ đồng thực hiện tăng lương với lộ trình phù hợp, được dư luận, người hưởng lương đồng tình cao.
“Với các kết quả nổi bật, nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. Đơn cử, ADB, Standard Chartered, HSBC dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam khoảng 6%. IMF đánh giá Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 với dự báo tăng trưởng 6,4% giai đoạn 2024-2029. Xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp hạng tăng 2 bậc…,” lãnh đạo Văn phòng Chính phủ thông tin.
Nỗ lực tăng trưởng khoảng 6,5-7% trong quý 3
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức cần tập trung ứng phó, xử lý, khắc phục, trong đó nổi lên là sức ép chỉ đạo điều hành còn cao, nhất là kiểm soát lạm phát, tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô do tác động từ bên ngoài. Tăng trưởng kinh tế ở một số địa phương còn thấp. Tình hình sản xuất-kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đạt thấp hơn cùng kỳ…
Vì vậy, để phấn đấu cao nhất thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024; giữ đà, giữ nhịp cho phát triển năm 2025, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra, đặc biệt Thủ tướng đề ra mục tiêu “Nỗ lực tăng trưởng khoảng 6,5-7% trong quý 3 và đạt cao hơn trong quý 4/2024; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát giữ ở mức cho phép dưới 4,5%; bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư…,” trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; phối hợp đồng bộ, hài hòa và tạo thuận lợi cho việc thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất; rà soát các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hiệu quả các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán. Bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất-kinh doanh và tiêu dùng; kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu, lương thực, thực phẩm.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 03 chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm. Xây dựng, tổ chức tốt Chương trình thi đua 500 ngày nỗ lực cố gắng hoàn thành các dự án đường bộ cao tốc, hướng tới kỷ niệm 80 năm thành lập Nước và 50 năm giải phóng miền Nam.
“Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và có cơ chế, chính sách cụ thể, hiệu quả thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (Thể chế, cơ chế, chính sách; Phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, đô thị; Chuyển đổi số, chuyển đổi Xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các lĩnh vực giá trị gia tăng cao như chíp bán dẫn, AI…), đồng thời, thúc đẩy tăng cung của nền kinh tế,” Thủ tướng lưu ý thêm./.