Bộ trưởng Tài chính: Nước Đức “chỉ hơi mệt và cần một tách càphê”
Vốn là động lực tăng trưởng của châu Âu, nền kinh tế Đức đã suy giảm 0,3% trong năm ngoái. Đây có thể là mức hoạt động yếu nhất trong số các nước lớn trong khu vực.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner bác bỏ ý kiến cho rằng nước Đức đang một lần nữa trở thành “người bệnh của châu Âu.” Ông nói Đức “chỉ hơi mệt và cần một tách càphê.”
Vốn từ lâu là động lực tăng trưởng của châu Âu, nền kinh tế Đức đã suy giảm 0,3% trong năm ngoái. Đây có thể là mức hoạt động yếu nhất trong số các nước lớn trong khu vực.
Một số nhà phân tích dự báo kinh tế Đức có thể đạt mức tăng trưởng bằng 0 trong năm 2024.
“Tôi biết một số trong số các bạn đang nghĩ gì: Đức có lẽ là một ‘người bệnh.’ Nhưng Đức không phải một ‘người bệnh…’ Đức chỉ ‘hơi mệt mỏi trong chốc lát’” - CNN dẫn lời Bộ trưởng Christian Lindner cho biết mới đây tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Thường niên ở Davos (Thụy Sĩ).
“Kỳ vọng tăng trưởng thấp một phần là lời cảnh tỉnh, và giờ đây chúng tôi đã có một tách càphê ngon” - ông nói. Ông Lindner cho biết Đức đang “ở giai đoạn đầu của kỷ nguyên tái cấu trúc mới,” dù không cung cấp thông tin chi tiết.
Vào cuối những năm 1990, nước Đức được mệnh danh là “người bệnh của châu Âu” khi nền kinh tế suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Để loại bỏ “biệt danh” này, Đức đã tiến hành một loạt cải cách thị trường lao động và nền kinh tế nước này đã bùng nổ trong thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Nhưng vận may với Đức cũng giảm sút từ đó.
Sự giảm sút của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong năm ngoái là lần sụt giảm đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Theo CNN, dữ liệu chính thức đầu tuần trước cho thấy Đức đã cố gắng tránh một cuộc suy thoái kinh tế ở ranh giới mong manh nhất. Tuy nhiên, trong phạm vi rộng lớn hơn, sự suy yếu của nền kinh tế Đức làm tăng nguy cơ suy thoái ở Khu vực Sử dụng Đồng tiền Chung châu Âu (Eurozone).
Daniel Kral, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics, viết trong một ghi chú: “Rõ ràng Đức là nước có ‘thành tích’ yếu nhất trong số các nền kinh tế lớn thuộc Eurozone vào năm ngoái.”
Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho rằng sự sụt giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là do “nhiều cuộc khủng hoảng,” bao gồm các mức tăng lạm phát lịch sử, lãi suất cao và nhu cầu yếu đối với hàng hóa Đức - cả trong và ngoài nước.
“Gót chân Achilles”
Sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga là “gót chân Achilles” của Đức vào năm 2022. Việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào đầu năm 2022 đã đẩy giá năng lượng ở châu Âu lên mức cao kỷ lục. Moskva sau đó đã tăng cường điều tiết khí đốt đến các nước châu Âu.
Cuộc khủng hoảng năng lượng đã làm tê liệt nhiều ngành công nghiệp của Đức. Giá khí đốt tự nhiên giảm kể từ đó và Berlin đã tìm được các nhà cung cấp khí đốt mới để thay thế Nga, nhưng cuộc khủng hoảng đã phủ bóng đen kéo dài.
“Chúng tôi phải tái thiết lập cơ sở hạ tầng và nguồn cung cấp năng lượng của Đức trong 18 tháng qua… nền kinh tế của chúng tôi đã cho thấy khả năng phục hồi” - ông Lindner cho biết.
Trong khi sản xuất ôtô và các thiết bị vận tải khác của Đức ghi nhận tăng trưởng vào năm ngoái, sản lượng lại giảm ở các ngành công nghiệp hóa chất và kim loại sử dụng nhiều năng lượng. Tổng thể, sản xuất công nghiệp của Đức giảm 2%.
Những rắc rối kinh tế của Trung Quốc cũng đè nặng lên Đức trong khi một rủi ro lớn khác đang “rình rập”: Cuộc khủng hoảng vận tải biển ở Biển Đỏ. Hãng xe Tesla của Mỹ cho biết họ sẽ ngừng hoạt động nhà máy lớn ở Berlin trong hai tuần kể từ ngày 29/1 do việc vận chuyển các linh kiện bị trì hoãn.
Trong một diễn biến liên quan, một nghiên cứu do Viện Kinh tế Đức tiến hành theo ủy quyền của Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu cho thấy suy thoái kinh tế đang làm chậm quá trình số hóa tại nước này. Chỉ số số hóa của nền kinh tế trong năm 2023 chỉ đạt 108,6 điểm, thấp hơn mức 110,5 điểm của năm 2022.
Theo nghiên cứu, từ năm 2022, nền kinh tế Đức chỉ đạt được tiến bộ nhỏ trong vấn đề số hóa. Chỉ số số hóa không tăng mà thậm chí còn giảm - một dấu hiệu không tốt của nền kinh tế đầu tàu thuộc Liên minh châu Âu./.