Bộ trưởng GTVT: Phải có “hàng rào” ngăn chặn tiêu cực trong đăng kiểm
Phát biểu tại họp giao ban tháng Một, Bộ trưởng Giao thông Vận tải nhấn mạnh không để xảy ra tình trạng thích thì mở, mở tràn lan trung tâm đăng kiểm; phải có ‘hàng rào’ ngăn chặn tiêu cực.
Phải có "hàng rào" chặn tiêu cực trong đăng kiểm là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng tại cuộc họp giao ban tháng Một của Bộ diễn ra chiều 31/1, tại Hà Nội.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam đẩy nhanh rà soát các văn bản quy định pháp luật liên quan hiện hữu; xem cái gì cần phải mở, cái gì phải siết.
“Không để xảy ra tình trạng thích thì mở, mở tràn lan trung tâm đăng kiểm. Phải có ‘hàng rào’ ngăn chặn tiêu cực,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Đăng Kiểm Việt Nam cho biết trong tháng đầu năm 2023, đơn vị này vẫn đang tiếp tục tập trung cho hai nhiệm vụ lớn: duy trì ổn định hoạt động các trung tâm đăng kiểm, phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và phối hợp vơi cơ quan liên qua tìm nguyên nhân gốc rễ, xử lý, phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
[Cả nước vẫn còn 37 trung tâm đăng kiểm xe đang dừng hoạt động]
Hiện tại, có 31 đơn vị đăng kiểm trên cả nước đang tạm dừng hoạt động; trong đó, Hà Nội chiếm số lượng nhiều nhất với 11 trung tâm, Thành phố Hồ Chí Minh tạm dừng 6 trung tâm, Thái Bình tạm dừng 2 trung tâm…
“Mặc dù một số lượng nhất định trung tâm đăng kiểm đang tạm dừng hoạt động, song, thống kê trong tháng Một, trên cả nước vẫn có khoảng 530.000 lượt phương tiện được thực hiện đăng kiểm, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm trước. Với các giải pháp cấp bách được triển khai, đến nay, tình trạng ùn ứ tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đã cơ bản được giải quyết,” ông Nguyễn Vũ Hải thông tin.
Trong tháng Hai tới, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì các giải pháp cấp bách, đảm bảo ổn định trong hoạt động các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới.
Đối với các trung tâm đăng kiểm đang tạm dừng hoạt động tại các tỉnh: Thái Bình, Hòa Bình… Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đang báo cáo cơ quan chức năng xem xét cho phép mở lại. Nếu được chấp thuận, cục sẽ điều động các đăng kiểm viên tại các đơn vị khác đến thực hiện công tác chuyên môn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Nhằm ngăn chặn các “lỗ hổng,” ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực, theo ông Nguyễn Vũ Hải, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đang rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đề xuất sửa đổi bổ sung ngay các quy định cho phù hợp với thực tiễn.
Đơn cử như Thông tư 16/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang được xem xét, lấy ý kiến xây dựng dự thảo điều chỉnh, bỏ việc kiểm định lần đầu đối với xe lắp ráp mới để giảm bớt áp lực cho người dân.
Nghị định 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới cũng đang được nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định về tăng cường nguồn nhân lực, chuyển đổi số trong đăng kiểm.
Hiện cả nước đã có hơn 80 cá nhân vi phạm bị bắt giữ hoặc tạm giam để điều tra trong vụ án: "Môi giới hối lộ," "Đưa hối lộ," "Nhận hối lộ" và "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại các Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Bắc Ninh và Bắc Giang.
Ngày 11/1 vừa qua, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố, bắt giam để điều tra về tội nhận hối lộ đối với ông Đặng Việt Hà, Cục Trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/1 vừa qua, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết Công an Thành phố Hồ Chí Minh cùng một số cục nghiệp vụ của Bộ Công an đã phát hiện, đấu tranh làm rõ nhiều hành vi sai phạm, tiêu cực trong quá trình cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường tại một số Trung tâm kiểm định các phương tiện giao thông cơ giới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Phan Rang và chắc sẽ còn thêm nữa.
Sơ bộ ước tính có hơn 70.000 phương tiện cơ giới đã được kiểm định phạm luật và các trung tâm kiểm định này đã cấp khoảng 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, thu lợi hàng chục tỷ đồng.
Một số trung tâm đăng kiểm này không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn thành lập, lập danh sách kiểm định viên ảo để hợp thức hóa một số quy định của Chính phủ về dịch vụ xe cơ giới./.