Bộ trưởng GTVT: Gấp rút đầu tư các trạm dừng nghỉ trên Cao tốc Bắc-Nam
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các đơn vị trong ngành gấp rút hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ mời thầu theo quy trình để đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ trên Cao tốc Bắc-Nam.
Hàng loạt các vấn đề nóng về đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ, hệ thống giao thông thông minh dọc tuyến Cao tốc Bắc-Nam; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng giao thông; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; giải pháp duy trì lực lượng vận tải trong bối cảnh thiếu hụt máy bay bị triệu hồi động cơ… đã được Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo tháo gỡ tại Hội nghị sơ kết quý 1 của Bộ Giao thông Vận tải.
Tháng Sáu sẽ chọn xong nhà đầu tư
Theo ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam, tính đến ngày 20/3 vừa qua, Cục đã cùng các chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án đã mời thầu trên mạng đấu thầu quốc gia 8 trạm dừng nghỉ trên tuyến Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020.
“Dự kiến, đến ngày 20/5 tới đây, việc mở thầu sẽ được thực hiện và đến ngày 15/6/2024 sẽ ký hợp đồng với các nhà đầu tư,” ông Thành cho hay.
Với các trạm dừng nghỉ còn lại, ông Thành cho biết Cục Đường cao tốc Việt nam đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn báo cáo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Chính phủ lấy ý kiến của Bộ Tư pháp về việc ban hành thông tư rút gọn theo quy trình rút gọn.
Chỉ đạo về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường cao tốc Việt Nam khẩn trương phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng Thông tư hướng dẫn theo trình tự rút gọn để kịp thời triển khai công tác lựa chọn nhà đầu tư. Vụ Pháp chế phối hợp để thời gian lựa chọn nhà đầu tư phải ngắn nhất có thể, việc tổ chức đấu thầu làm nghiêm túc và làm thật nhanh quy trình.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng yêu cầu các Ban Quản lý dự án đang quản lý các đoạn tuyến Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 trên cơ sở các vị trí trạm dừng nghỉ đã được quy hoạch, nghiên cứu phương án làm một số điểm dừng nghỉ tạm, có thể làm trước khu vực nhà vệ sinh, đáp ứng nhu cầu người dân lưu thông trên tuyến.
Nhìn nhận Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2024, dự kiến cuối năm 2024 đã có những dự án cơ bản hoàn thành, thời gian không còn nhiều, người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải cho rằng các thủ tục, hồ sơ mời thầu cũng phải rốt ráo chuẩn bị ngầy từ bây giờ, đảm bảo khi tuyến đi vào hoạt động phải có trạm dừng nghỉ đồng thời phải chú trọng xây dựng tổng thể hệ thống giao thông thông minh (ITS) đảm bảo tính liên thông, đồng bộ.
Về giải ngân vốn đầu tư công gắn với đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải được giao 56.666 tỷ đồng, đến nay đã giao chi tiết toàn bộ kế hoạch vốn năm 2024 cho các dự án, lũy kế đến hết tháng 3/2024, giải ngân khoảng 10.700 tỷ đồng, đạt 19,2% kế hoạch.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, nếu tính cả gần 10.000 tỷ đồng đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung từ nguồn các bộ chưa phân bổ và nguồn vượt thu ngân sách Trung ương 2023, tổng số vốn chúng ta cần giải ngân là hơn 65.000 tỷ đồng.
“Kết quả giải ngân vốn đầu tư công ba tháng đầu năm nay của Bộ Giao thông Vận tải đang ghi nhận những tín hiệu tích cực khi tiếp tục cao hơn mức giải ngân chung bình chung cả nước. Mục tiêu phấn đấu năm nay phải giải ngân đạt 100% kế hoạch. Các chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh nhất giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo giải ngân thực chất, có khối lượng, sản lượng chứ không chỉ là tạm ứng,” Tư lệnh ngành Giao thông Vận tải nhấn mạnh.
Đẩy nhanh cao tốc Bắc-Nam, kiểm tra giá vé máy bay
Đề cập đến việc triển khai các Dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án chủ động tháo gỡ khó khăn, nhất là mặt bằng, vật liệu, đáp ứng tiến độ theo yêu cầu.
Trong đó, hai Dự án Cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt, Cam Lâm-Vĩnh Hảo phải đáp ứng tiến độ thông xe dịp 30/4/2024 với hệ thống đường gom, đường dân sinh, hạ tầng phụ trợ đồng bộ nhất có thể trên đoạn tuyến đưa vào khai thác. Riêng 19km còn lại của đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt, trên phạm vi nền đất yếu cần áp dụng giải pháp tốt nhất để tối ưu thời gian, sớm hoàn thành, thông xe toàn tuyến.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục Đường cao tốc Việt Nam khẩn trương hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đã được đầu tư phân kỳ đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí điện tử không dừng tại các cảng hàng không đảm bảo đồng bộ, kết nối liên thông.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung hoàn thiện quy trình thủ tục và phương án khai thác cát biển để triển khai thực hiện được ngay sau khi có đủ điều kiện, dự kiến vào cuối tháng Tư phải khai thác.
Về công tác vận tải, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ trưởng yêu cầu các cục kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo đảm an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải, triển khai có hiệu quả các giải pháp giảm thiểu tình trạng chậm hủy chuyến, quản lý nghiêm việc điều phối sử dụng lượt cất, hạ cánh (slot), tăng giá vé của các hãng hàng không...
Cho rằng thực tế các chi phí đầu vào đang rất cao nhưng giá vé hàng không còn chưa chạm trần, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng gợi mở nhằm đảm bảo sự phát triển dài hạn, các hãng hàng không cần nghiên cứu, đề xuất Bộ Giao thông Vận tải trình cấp có thẩm quyền giải pháp tháo gỡ, kéo giảm chi phí mỗi chuyến bay để các hãng có điều kiện hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi của người dân.
“Cục Hàng không Việt Nam tăng cường kiểm tra các hãng hàng không về giá vé máy bay, việc bảo đảm duy trì máy bay do ảnh hưởng của việc triệu hồi, bảo dưỡng động cơ máy bay. Ít máy bay cần nghiên cứu tăng tần suất hoạt động nhưng phải lưu ý vấn đề an toàn bay, tuy nhiên quy trình bảo trì, bảo dưỡng máy bay không được cắt ngắn,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo./.