Bộ Tài chính: Hạn chế tối đa các ‘lỗ hổng’ trên thị trường chứng khoán
Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ thị các đơn vị trong ngành chủ động nghiên cứu, đề xuất các biện pháp giải quyết triệt để các vấn đề, ngăn chặn các hành vi lợi dụng chính sách trên thị trường chứng khoán.
Ngày 6/9, Bộ Tài chính thông tin về việc Bộ trưởng Hồ Đức Phớc có chỉ thị việc tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn, ổn định thị trường chứng khoán.
Ông Phớc đề nghị các đơn vị chủ động nghiên cứu, đề xuất các biện pháp giải quyết triệt để các vấn đề, ngăn chặn các hành vi lợi dụng chính sách, hạn chế tối đa các lỗ hổng chính sách tạo cơ hội cho các hành vi vi phạm...
Rà soát các quy định pháp lý
Những tháng đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều biến động bất thường. Do đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo, yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dấu hiệu bất thường trên thị trường nhằm kịp thời phát hiện và xử lý đồng thời khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để phối hợp xác minh, điều tra, xử lý theo quy định các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo đó, người đứng đầu cơ quan tài chính yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với các đơn bị trong ngành rà soát tổng thể Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định mới phù hợp với sự phát triển của thị trường, hạn chế nguy cơ gây mất an ninh, an toàn của thị trường, bảo vệ doanh nghiệp và nhà đầu tư.
[Bộ Tài chính gia tăng khuyến nghị đối với trái phiếu doanh nghiệp ]
Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện rà soát quy định về phát hành chứng khoán riêng lẻ tại Luật Doanh nghiệp để kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cũng như tham mưu nâng cao điều kiện thành lập quỹ tài chính.
Thời hạn, các đơn vị trong ngành tổng hợp và trình Lãnh đạo Bộ trước ngày 30/9 để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét và quyết định.
Kiểm tra hoạt động cơ cấu vốn
Về phía điều hành thị trường, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán, các Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tăng cường giám sát việc tuân thủ nghĩa vụ của tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, thành viên giao dịch.
Bên cạch đó, các đơn vị thẩm định chặt chẽ các hồ sơ đăng ký niêm yết/đăng ký giao dịch chứng khoán của các doanh nghiệp, chú trọng chất lượng, đảm bảo tính chính xác của hồ sơ. Đặc biệt là lưu ý các công ty có hiện tượng tăng vốn nhanh và các công ty mới thành lập, doanh thu chưa tương xứng với quy mô vốn, chưa có sản phẩm, định hướng kinh doanh rõ ràng...
Mặt khác, các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán, của các tổ chúc cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ niêm yết.
“Kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tùy theo mức độ vi phạm đồng thời có biện pháp xử phạt nghiêm khắc. Trên cơ sở đó, các đơn vị khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra đối với các hành vi cố tình vi phạm, tiến hành lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán chủ động thanh tra, giám sát việc phát hành tăng vốn của các công ty đại chúng, niêm yết trên sàn chứng khoán, phối hợp các Sở giao dịch chứng khoán tăng cường hơn nữa việc công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời cảnh báo nhà đầu tư về các hiện tượng bất thường trên thị trường. Các Sở cần có cơ chế công bố thông tin, phân tích về hoạt động, tình hình tài chính của doanh nghiệp có mã chứng khoán đang được giao dịch bất thường, đột biến.
Ngoài ra, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng yêu cầu các đơn vị tổng hợp, đề xuất với Ngân hàng Nhà nước các giải pháp giám sát chặt chẽ quá trình tăng vốn, góp vốn của các công ty đại chúng để đảm bảo hoạt động này diễn ra nghiêm túc, thực chất, hạn chế tối đa tình trạng tăng vốn ảo, chuyển tiền lòng vòng, tiền thu được từ quá trình thay đổi cơ cấu vốn sử dụng không đúng mục đích đăng ký. Các đơn vị phải giám sát chặt chẽ hiện tượng chủ doanh nghiệp hoặc các cổ đông chi phối lợi dụng vai trò điều hành doanh nghiệp rút lại khoản tiền đi vay khi thực hiện nghĩa vụ góp vốn...
Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị chức năng trong ngành thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Trong quá trình triển khai, chủ động và khẩn trương báo cáo Lãnh đạo Bộ Tài chính các vướng mắc phát sinh để có giải pháp kịp thời, không để chậm trễ tiến độ công việc. Do đó, các đơn vị tập trung tối đa nguồn lực, triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp, biện pháp tại tất cả các khâu quản lý, giám sát, đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động minh bạch, hiệu quả./.